• :
  • :

Về thăm đất “danh hương” di sản

Nằm ở phía Nam của Hà Nội, cách trung tâm Thành phố khoảng 15km, Thường Tín có vị trí địa lý quan trọng đối với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội và là vùng đất “danh hương” với bề dày văn hóa, lịch sử. Nơi đây mang đậm văn hóa của làng quê Bắc Bộ, nuôi dưỡng nhiều danh sĩ, tâm hồn thi ca. Các di sản văn hóa, phong tục, tinh thần tôn giáo được truyền từ đời này sang đời khác, ngàn năm vẫn giữ nguyên được bản sắc.

Có dịp nhiều lần được ghé thăm, làm việc tại huyện Thường Tín - nơi vẫn được gọi là “đất danh hương, khoa bảng, trăm nghề”, người viết vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi bề dày di sản văn hóa, lịch sử nơi đây. Trong những năm qua, bằng sức lao động không ngơi nghỉ và trí tuệ tuyệt vời, người dân Thường Tín đã sáng tạo nên một kho tàng di sản văn hóa đa dạng, phong phú và giàu giá trị. Các giá trị văn hóa ấy được phản ánh sinh động trong tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đồng thời, được “dệt” trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Về thăm đất “danh hương” di sản
Hiện này, trên địa bàn huyện Thường Tín có một quần thể di tích, văn hóa đồ sộ. Ảnh: Xuân Tiến

Ở thế kỷ XV, ghi chép về vùng đất Thường Tín, trong sách “Dư địa chí” Nguyễn Trãi đã viết: “Là vùng đất cao ráo bằng phẳng, ruộng thì vào hạng thượng thặng, cấy lúa thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác, các triều phí dụng nuôi quân đều nhờ ở đây”. Với vị thế ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, “cửa ngõ” kinh đô, Thường Tín là nơi tiếp nhận và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa, cũng là quê hương của nhiều nhân vật kiệt xuất, rạng danh lịch sử, như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, Lương Trúc Đàm… Trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, Thường Tín có tới 68 vị tiến sĩ, là địa phương đứng đầu Hà Nội về số người đỗ đạt.

Ngoài ra, Thường Tín còn được biết đến với nhiều làng quê trù phú, trăm nghề, buôn bán tấp nập. Từ rất sớm, người Thường Tín đã khéo léo, sáng tạo ra những sản vật độc đáo từ nông nghiệp, nổi tiếng nhất là bánh giầy. Cũng từ nông nghiệp, thủ công nghiệp có cơ sở phát triển, Thường Tín là “đất trăm nghề”, ca dao có câu: “Xâm Động là đất trồng hành/ Mễ Hoà chẻ nứa đan mành ta mua/ Quýt Đức thêu quạt, thêu cờ/ Nhị Khê tiện gỗ đền thờ chạm hoa/ Làng Giai tơi lá che mưa/ Trát Cầu bông sợi kém thua gì người/ Lược thưa Thụy Ứng chàng ơi/ Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua”.

Bởi thế, trong lịch sử nghề thủ công mỹ nghệ đất nước, Thường Tín là nơi nguồn cội của nhiều nghề. Ví dụ, nghề thêu với vị tổ nghề Lê Công Hành; nghề sơn, với vị tổ nghề Trần Lư. Đồng thời, nhiều phố nghề Hà Nội hiện nay có nguồn gốc từ làng nghề Thường Tín như: Yên Thái, Hàng Trống, Hàng Hòm, Hàng Gai, Tô Tịch… Cũng chính bởi vậy, Thường Tín còn được gọi là mảnh “đất trăm nghề”. Hiện nay, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội; nhiều nghệ nhân được Nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 2 nghệ nhân Nhân dân.

Trong đó, phải kể đến làng Quất Động được xem là nơi khởi thủy của nghề thêu Việt Nam. Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Trong làng hiện có ông Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Nghệ nhân Thái Văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung về các nguyên thủ quốc gia. Trong đó bức Chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá cao. Hiện nay nhiều cơ sở trong nước đã đầu tư, nhập nhiều máy thêu hiện đại, nhưng sản phẩm máy móc làm ra, không thể đạt được độ tinh xảo, mềm mại như cách làm thủ công. Do đó nghề thêu tay truyền thống của làng nghề Quất Động ngày càng phát triển.

Bên cạnh nông nghiệp trù phú, làng nghề phát triển tất yếu dẫn đến việc giao thương, buôn bán. Các chợ làng, chợ xã được hình thành, bán mua tấp nập. Chợ Bằng Vồi từ lâu đã có tiếng một vùng Hà Đông: Xứ Nam nhất chợ Bằng Vồi, xứ Bắc Dâu Khán, xứ Đoài Hương Canh. Bởi có kinh tế đa dạng nên đời sống văn hoá tinh thần của người dân hết sức phong phú.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín Bùi Công Thản: Hiện nay, trên địa bàn huyện có một quần thể di tích, văn hóa đồ sộ với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó có 123 di tích được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp thành phố). Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Chùa Đậu; Đền, bến Chương Dương; Đền thờ Nguyễn Trãi… Gắn liền với di tích là lễ hội. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 lễ hội quy mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường xuyên. Có những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc như: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên); lễ hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi), lễ hội Chùa Mui (Tô Hiệu), lễ hội Chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội Đền Bộ Đầu (Thống Nhất)…

Ở giữa đồng bằng sông Hồng, với vị thế là cửa ngõ kinh đô, qua thử thách của lịch sử, Thường Tín vững vàng, xứng danh là miền đất văn vật. Đó là thành quả lao động sáng tạo của các thế hệ người dân, đã luôn đoàn kết, lao động sáng tạo, anh dũng, kiên cường bảo vệ xóm làng, xây dựng quê hương, làm nên truyền thống danh hương mà không phải nơi nào cũng có được.

Được biết, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống ở Thường Tín mang đậm màu sắc dân gian, tiêu biểu cho văn hóa phía Nam Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ tổ nghề ở các làng nghề được coi là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc ở Thường Tín, thể hiện sự biết ơn đến những vị sáng lập, mở mang ngành nghề cho nhân dân. Trong những ngôi đình, đền, miếu nhiều làng đặt ban thờ tổ nghề bên cạnh ban thờ đức Thành hoàng làng như: ĐìnhVăn Trai, đình Cống Xuyên, đình Khánh Vân. Một số làng xây đền thờ tổ nghề, như: Thụy Ứng, Trát Cầu. Một số làng thuộc xã Thắng Lợi, Quất Động suy tôn vị tổ nghề Lê Công Hành làm Thành hoàng làng.

Từ tín ngưỡng thờ tổ nghề, thờ Thành hoàng làng dẫn đến lễ hội, bởi lễ hội thường được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày hóa của đức Thành hoàng làng. Giai đoạn trước năm 1945, huyện Thường Tín là một trong những địa bàn nhiều lễ hội nhộn nhịp của xứ Bắc Hà. Thời gian lễ hội thường vào mùa xuân và mùa thu. Vào mùa xuân, tháng Giêng có lễ hội làng Từ Vân vào mùng 6, lễ hội làng An Duyên vào mùng 7, lễ hội Bộ Đầu vào mùng 8, lễ hội chùa Đậu vào mùng 9… Tháng Hai có lễ hội đền Lộ (làng Đại Lộ) thu hút rất đông khách thập phương. Lễ hội muộn nhất có quy mô lớn mở vào cuối xuân đầu hạ ở vùng Thường Tín là lễ hội làng Tự Nhiên diễn ra vào mùng 1 tháng 4 và lễ hội chùa Pháp Vân (xã Văn Bình) vào mùng 7 đến mùng 9 tháng 4 Âm lịch. Vào mùa thu, ngày 12 tháng 8 Âm lịch là lễ hội làng Triều Đông (xã Tân Minh). Ngày 11 tháng 11 Âm lịch ở những làng ven sông Tô Lịch như: Hạ Thái, Khánh Vân, Hoàng Xá, Đỗ Hà đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị Thành hoàng làng Quách Gia Suy.

Thường Tín còn có một số lễ hội có quy mô lớn, được nhiều người biết đến như: Lễ hội làng Tự Nhiên (xã Tự Nhiên), lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội làng Hà Hồi (xã Hà Hồi), lễ hội làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất)… Dù diễn ra ở thời điểm khác nhau của mùa xuân hay mùa thu nhưng lễ hội ở các địa phương của huyện Thường Tín đều là dịp để văn hóa truyền thống của các địa phương được duy trì, phát huy một cách đầy đủ, sôi nổi. Ngày nay, nét đẹp trong tín ngưỡng, lễ hội các làng quê tiếp tục được lưu giữ, phát triển; trở thành tiềm năng lớn cho phát triển du lịch văn hóa tâm linh trong tương lai./.

Kim Tiến
Lượt xem: 92
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...