“Muôn hình vạn trạng” hình thức lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam
Trước hàng loạt vụ việc lừa đảo liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam tại nhiều thị trường nước ngoài, Bộ Ngoại giao vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiện tượng này.
Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác xuất nhập khẩu |
Bộ Ngoại giao vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế có liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam.
Báo cáo cho biết, tình trạng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế ngày càng có quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Đáng chú ý, tình trạng lừa đảo gần đây diễn ra phổ biến hon tại các thị trường lớn, có uy tín và mức độ rủi ro thấp như: Mỹ, Hà Lan, Italy, Na Uy... thay vì tập trung ở các thị trường châu Phi như trước đây.
Vụ việc 100 container hạt điều vừa qua là một ví dụ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chủ động tìm hiểu, thông tin cho các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài mà chỉ liên hệ khi vụ việc xảy ra, gây khó khăn trong quá trình hỗ trợ giải quyết.
Các hình thức lừa đảo phổ biến là: Lừa đảo trong xuất nhập khẩu hàng hóa, không thanh toán, không chuyển hàng như hợp đồng đã ký, xảy ra với đối tác tại Sri Lanka, Algeria, Brazil, Hàn Quốc. Năm 2020, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng không nhận được thanh toán trong giao dịch với doanh nghiệp Mỹ do đối tác phá sản;
Thành lập công ty “ma”, giả mạo doanh nghiệp, cung cắp các giấy tờ giả chứng minh năng lực công ty để giao dịch. Tình trạng này xảy ra cả với các đối tác ở EU, Mexico, Bỉ, Na Uy… Chỉ tính riêng thị trường Na Uy, năm 2021, đã có hơn 40 trường hợp giả mạo doanh nghiệp Na Uy để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam trong mua, bán thủy hải sản. Cơ quan ngoại giao ước tính thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng vài nghìn USD/vụ việc;
Giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hoá mà không thanh toán; Lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu.
Theo Văn phòng Kinh tế - Văn hóa ta tại Đài Bắc, thời gian qua một số cá nhân Đài Loan (Trung Quốc) gốc Việt, với danh nghĩa tư vấn cho các doanh nghiệp Đài Loan đã tiếp cận một số tỉnh ở miền Nam và cho biết có thể “thu xếp” được các khoản vay ưu đãi hoặc viện trợ của Đài Loan cho các dự án cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Một số doanh nghiệp ta cũng được mời tham gia các gói thầu ở châu Phi và nhận được thông báo trúng thầu cùng với đề nghị chuyển phí hoàn tất thủ tục đấu thầu; sau khi nhận được tiền, các đối tượng này cắt đứt liên lạc…
Các vụ lừa đảo, gian lận thương mại thường có một số đặc điểm chung như: Quá trình đàm phán giá cả diễn ra nhanh chóng, đối tác đồng ý ngay giá bán nhưng ép doanh nghiệp ta ký các hợp đồng mẫu không thể sửa đổi;
Chỉ liên lạc qua mạng internet, dùng các email miễn phí để giao dịch thay vì email chính thức của công ty; chỉ dùng các ứng dụng nhắn tin để trao đổi, tránh gặp trực tiếp hoặc họp trực tuyến;
Cung cấp tài khoản thanh toán ở nước thứ ba, tại ngân hàng nhỏ, tên chủ tài khoản không phải công ty đúng tên hợp đồng, giấy phép kinh doanh sắp hết hạn...;
Đề nghị chấp nhận thanh toán bằng các hình thức có rủi ro cao, bắt đặt cọc để làm các thủ tục giấy tờ ở nước ngoài, đề nghị chuyển trước một phần hoặc toàn bộ chứng từ để xin giấy phép nhập khẩu...
Để hạn chế các rủi ro này, Bộ Ngoại giao khuyến cáo doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam, cần tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín, kiểm tra, xác minh kỹ và toàn diện thông tin về đối tác; nghiên cứu kỹ hợp đồng và triển khai giao dịch...
Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường khuyến cáo doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, đối tác, hướng dẫn cách xử lý để giảm thiệt hại.