• :
  • :

Bình Dương: Giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PCI

Với quyết tâm đưa Chỉ số PCI trở lại tOP 10 trong năm 2023, Bình Dương đã đề ra giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư.

Xác định nâng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững nên tỉnh Bình Dương luôn quan tâm cải thiện chỉ số này.

Tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết với giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng điểm từng chỉ số thành phần, nhất là những chỉ số đạt thấp.

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI Bình Dương năm 2022 đạt 65,13 điểm (giảm 4,48 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành trong cả nước, tức giảm đến 30 hạng so với năm 2021. Tỉnh chỉ có 1 chỉ số tăng điểm (chiếm 10% trọng số) và 9 chỉ số giảm điểm (chiếm 90% trọng số).

Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường đạt 6,32 điểm (giảm 0,06 điểm) thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Một số chỉ tiêu giảm điểm như: Thời gian đăng ký doanh nghiệp (trung vị) giảm 0,5 ngày, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố; Thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (trung vị) tăng 4 ngày, xếp hạng 60/63 tỉnh, thành.

Mặc dù Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh có sự sụt giảm nhưng Bình Dương vẫn có những điểm sáng về môi trường đầu tư kinh doanh.
Mặc dù chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh có sự sụt giảm nhưng Bình Dương vẫn có những điểm sáng về môi trường đầu tư kinh doanh

Năm 2022, ở chỉ số tiếp cận đất đai, Bình Dương đạt 7,06 điểm (giảm 0,15 điểm). Trong đó, 9/14 chỉ tiêu thành phần giảm điểm; xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố (giảm 1 bậc), trung vị cả nước là 6,98 điểm.

Về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2022, Bình Dương đạt 84,78/100 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành trong cả nước (giảm 22 bậc so với năm 2021).

Trước đó, tại hội nghị bàn giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương năm 2023 và những năm tiếp theo, các sở, ngành và chuyên gia của VCCI đã tập trung phân tích làm rõ những khó khăn, hạn chế còn tồn tại khiến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh bị sụt giảm thứ hạng.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Trên cơ sở đó, tỉnh đề ra một số giải pháp đổi mới, nâng cao các chỉ số, nhất là chỉ số thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân; góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, kết quả PCI năm 2022 cho thấy điểm số và thứ hạng bị sụt giảm mạnh. Đây là lần sụt giảm hạng sâu nhất trên bảng xếp hạng PCI của tỉnh so với các tỉnh, thành phố cả nước. Để cải thiện chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giải pháp tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần có điểm số thấp và duy trì, phát huy các chỉ số thành phần có điểm số bằng, cao hơn điểm số trung vị cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sôi động, kết quả cải thiện chỉ số PCI của các địa phương trên phạm vi toàn quốc đang rất nhanh chóng thì Bình Dương càng cần nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa. Để nâng cao chỉ số PCI, trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị.
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI - người nhiều năm theo dõi những hoạt động liên quan đến chỉ số PCI của Bình Dương, có thể thấy PCI của tỉnh chưa tương xứng nếu so với vị thế, tiềm năng và quyết tâm của các cấp chính quyền tỉnh.

Việc Bình Dương quyết tâm cải thiện PCI thể hiện rõ nhận thức và hành động một cách chủ động, cầu thị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, thiết thực. Tuy nhiên, Bình Dương là địa bàn có số lượng doanh nghiệp lớn nên khối lượng công việc nhiều hơn các địa phương khác. Vì thế, Bình Dương cần chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng.

Giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PCI
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI phát biểu

Giám đốc dự án PCI cho rằng, cải thiện PCI là làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hài lòng. Để làm được điều này, Bình Dương cần tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đó là làm sao để thủ tục hành chính được giải quyết nhanh hơn, cán bộ công chức phải có tinh thần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều hơn.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ cần sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh mà cần sự nỗ lực của tất cả các sở, ngành, địa phương. Bởi vì, lĩnh vực PCI đo lường liên quan tới thủ tục đầu tư kinh doanh ở hầu hết các Sở, ngành, lĩnh vực và chính quyền cơ sở. Số lượng doanh nghiệp ở Bình Dương lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Do đó, lượng hồ sơ mà một Sở, ngành của tỉnh phải giải quyết mỗi ngày có khi bằng các địa phương khác xử lý trong một tháng.

Vì thế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng Bình Dương cần chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh doanh; tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ; hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Lượt xem: 4
Tác giả: Hoàng Lân
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...