• :
  • :

Cần có “cú hích” về thúc đẩy giao thương nông sản Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc)

Tiềm năng giao thương nông sản, hàng hóa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) còn rất lớn. Tuy nhiên, việc giao lưu xuất nhập khẩu còn chưa đáp ứng.

Cần đa dạng hóa các cửa khẩu thông thương

5 tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Côn Minh chỉ đạt hơn 340 triệu USD (Trung Quốc) chưa tương xứng với tiềm năng của 2 bên. Tại buổi trao đổi với Hải quan Côn Minh (Trung Quốc) diễn ra ngày 1/6, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định, Vân Nam là đối tác quan trọng, có nhiều lợi thế nông nghiệp ôn đới, trong khi Việt Nam có ưu thế về nông nghiệp nhiệt đới và các sản phẩm từ biển.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

“Tiềm năng hai bên còn nhiều, còn rất lớn. Tuy nhiên, việc giao lưu xuất nhập khẩu còn chưa đáp ứng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng hóa Việt Nam qua Vân Nam còn rất khiêm tốn so với các cửa khẩu khác. Đây là vấn đề cần giải quyết”, ông Trần Thanh Nam chia sẻ.

Không chỉ đề cập tới phần xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Trần Thanh Nam cho rằng, với tiềm năng về rau củ quả ôn đới từ Vân Nam cũng là sản phẩm mà Việt Nam cần nhập. Cần có “cú hích” về thúc đẩy giao thương hàng hóa, thông qua việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp với các đơn vị là doanh nghiệp lớn của hai bên.

Việt Nam đã khởi công xây dựng cao tốc nối tỉnh biên giới giáp Vân Nam là Hà Giang đến các địa phương. Dự kiến đây sẽ là huyết mạch vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch. Sắp tới, Việt Nam còn khởi công cao tốc từ Hòa Bình lên Điện Biên, có biên giới với Vân Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hải quan Côn Minh sớm gửi đề án về cửa khẩu thông minh, hải quan thông minh, kết nối thông minh, xuất nhập khẩu một cửa, tới các cơ quan quản lý Việt Nam để nghiên cứu thực hiện. “Đây là vấn đề mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan cùng tham gia thực hiện”, ông Trần Thanh Nam nói.

Trước nhu cầu xuất nhập khẩu sau đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, Hải quan Vân Nam mở thêm danh mục về thủy sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao số lượng, sản lượng sang tỉnh Vân Nam.

Trao đổi với các đồng nghiệp Côn Minh, bà Phạm Lan Trang - đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam - cho rằng, 2 bên có thể thống nhất thêm giờ làm việc, giờ nghỉ để thông quan hàng hóa nông sản được nhanh hơn. Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu, thực hiện cơ chế “2 hải quan 1 điểm dừng” bằng cách đồng bộ về chính sách và cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương đề xuất phía Vân Nam phối hợp với các địa phương Việt Nam tăng cường nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại ở các khu vực cửa khẩu.

Bên cạnh đó là khôi phục thông quan ở các cửa khẩu, lối mở ở biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản và thủy sản.

Đồng thời đề xuất xem xét cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp, ví dụ như bỏ xét nghiệm PCR Covid-19 với các lái xe hay cấp visa 1 năm cho lái xe ở cặp cửa khẩu và thường xuyên thay đổi thông tin về các thay đổi trong chính sách, các vướng mắc phát sinh để kịp thời tháo gỡ.

Đại diện Bộ Công Thương cũng gợi ý về việc tổ chức nhiều hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương giữa 2 bên, khuyến khích các doanh nghiệp 2 nước phối hợp với nhau, đa dạng hóa các cửa khẩu thông thương, tránh tình trạng hàng hóa bị tập trung tại một điểm.

Tạo thuận lợi hơn nữa về giao thương cho doanh nghiệp hai nước

Ông Cận Diên Dũng - Cục trưởng Hải quan Côn Minh - Tổng cục Hải quan Trung Quốc - khẳng định, Việt Nam là “đối tác thương mại quan trọng”. Hải quan Trung Quốc cùng các cơ quan liên quan đang tích cực tìm cách tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Do đó, ông Cận Diên Dũng đề xuất các cơ quan liên quan của Việt Nam sớm tăng số lượng doanh nghiệp AEO (mô hình doanh nghiệp ưu tiên). Đồng thời, đề xuất thực hiện cơ chế hợp tác xuất nhập khẩu một cửa, theo mô hình tiên tiến đã được nhiều nước, nhiều tổ chức tài chính trên thế giới công nhận.

Ông Cận Diên Dũng cũng cho biết, tại tỉnh đang xây dựng cầu nối giữa Bách Sắc và Hà Khẩu, hai địa phương có cửa khẩu với Việt Nam. Việc này sẽ giảm mạnh ùn tắc cửa khẩu.

“Chúng tôi cũng rất hy vọng Vân Nam và các địa phương của Việt Nam sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng thiết bị hiện đại, phục vụ thông quan, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh”, ông Cận Diên Dũng chia sẻ.

Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của phía Việt Nam, ông Hùng Tiên Quân - Phó Cục trưởng Hải quan Côn Minh – cho biết, từ ngày 1/6, Hải quan Côn Minh và phía Việt Nam bắt đầu thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau. Trước mắt, sản phẩm chỉ giới hạn ở sầu riêng.

Theo lãnh đạo Hải quan Côn Minh, sắp tới đơn vị này sẽ áp dụng các biện pháp giảm thời gian thông quan như khai báo sức khỏe, hàng hóa đầu cuối, thanh toán qua QR Code...

 
Lượt xem: 7
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...