Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,97% so với tháng 12/2022
Theo số liệu do cơ quan thống kê quốc gia cung cấp ngày 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng 1 và so với tháng 12/2022 thì đã tăng tới 0,97% - mức tăng đáng kể.
Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%. Nguyên nhân chính là do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán.
Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 2 các năm từ 2019-2023 giai đoạn 2019-2023 (%). |
Trong mức tăng 0,45% của CPI tháng 2/2023 so với tháng trước, có 5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 6 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng đáng kể gồm: Nhóm giao thông (có mức tăng cao nhất, tăng 2,11%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,81%…
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm đáng kể gồm: Nhóm giáo dục giảm 0,57% (làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm); hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm); đồ uống và thuốc lá giảm 0,12% do quy luật tiêu dùng giảm sau Tết Nguyên đán; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,1%...
Không nằm trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/2/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.858,35 USD/ounce, giảm 0,98% so với tháng 1/2023. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 2/2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,1%.