• :
  • :

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2022: Một cú hích cho Nga

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 (EEF 2022) diễn ra từ ngày 5.9-8.9 tại thành phố Vladivostok được xem là cú hích với Nga trong bối cảnh nước này phải đối mặt với hàng nghìn biện pháp trừng phạt của phương Tây sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina.

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2022: Một cú hích cho Nga

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 được tổ chức tại Vladivostock, Nga, từ ngày 5-8.9.2022. Ảnh: Xinhua

58 quốc gia cử đại diện tham dự EEF 2022. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ phát biểu tại phiên toàn thể ngày 7.9 theo hình thức trực tuyến.

Viễn Đông: Một trục mới của thế giới đa cực

Trong thông điệp gửi tới EEF lần thứ 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, đây là diễn đàn có uy tín quốc tế cao và đóng góp đáng kể vào việc xây dựng quan hệ kinh doanh giữa Nga và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

Theo Tổng thống Putin, chủ đề chính của EEF lần thứ 7 “Con đường hướng tới thế giới đa cực" - dường như rất phù hợp và có ý nghĩa. Mô hình đơn cực lỗi thời đang được thay thế bằng một trật tự thế giới mới dựa trên các nguyên tắc cơ bản của công bằng và bình đẳng, công nhận quyền của mọi quốc gia và mọi người đối với con đường phát triển có chủ quyền của mình. Chính tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang hình thành các trung tâm chính trị và kinh tế hùng mạnh, đóng vai trò là động lực của quá trình không thể đảo ngược này.

Các chính trị gia và doanh nhân, chuyên gia và nhân vật trong và ngoài nước sẽ thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến triển vọng hợp tác sâu rộng về thương mại, đầu tư, khoa học và nhân đạo. Điều quan trọng là trong Diễn đàn dự kiến ​​sẽ ký kết các hợp đồng thương mại và các thỏa thuận dài hạn với sự tham gia của giới doanh nghiệp và chính quyền khu vực.

“Chúng tôi hài lòng ghi nhận sự hợp tác song phương trực tiếp giữa các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như hợp tác giữa các quốc gia trong khuôn khổ các hiệp hội có ảnh hưởng như Cộng đồng Kinh tế Á-Âu, SCO, BRICS, APEC và ASEAN, đang đạt được đà phát triển. Nga sẵn sàng tiếp tục, cùng với tất cả các đối tác quan tâm, nỗ lực cải thiện hợp tác khu vực dưới nhiều hình thức khác nhau” - Tổng thống Putin cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Yuri Trutnev - Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại khu vực Viễn Đông, chủ đề của Diễn đàn nhằm cho thấy thế giới đã thay đổi và các lệnh trừng phạt đã làm thay đổi bức tranh thế giới, song sự thay đổi của thế giới không chỉ đem lại những thách thức mà còn tạo ra những cơ hội mới.

Ngày 6.9, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông đã tổ chức phiên họp của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai. Các đại biểu đã đánh giá những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, địa chính trị và đi đến kết luận rằng Viễn Đông nên trở thành một trung tâm chung cho sự tương tác của các đối tác quốc tế quan trọng nhất trong thập kỷ tới. “Việc Nga quay sang Viễn Đông không phải bây giờ, mà là vào năm 2014, khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố phát triển Viễn Đông là ưu tiên quốc gia. Trong thời gian này, gần 3.000 dự án đã được khởi động, gần 3.000 tỉ rúp đến từ đầu tư tư nhân và các thỏa thuận trị giá 6,7 nghìn tỉ rúp đã được ký kết. Về tốc độ tăng trưởng của các khoản đầu tư vào vốn cố định, chúng tôi vượt quá tốc độ trung bình của Nga gần 4 lần. Sự phát triển này là câu trả lời cho những thách thức mà nhân loại phải đối mặt, bởi vì Viễn Đông là điểm giao thoa của các thế giới” - Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev cho biết.

Theo Wang Wen, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Tài chính Sùng Dương tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, Nga có tiềm năng cần thiết để trở thành một trong những trục của thế giới đa cực. Còn ông B.K.Sharma - Giám đốc Viện Dịch vụ Thống nhất của Ấn Độ - nói rằng, thế giới đang dần đi vào đường ray của đa cực. “Nga và nhiều nước Châu Á có cách tiếp cận toàn cầu đối với chương trình nghị sự quốc tế và đang cố gắng đảm bảo rằng các tình huống xung đột dần dần được xử lý và chúng tôi tiến tới hợp tác và cộng tác” - ông Sharma nói.

Xoay trục hướng Đông của Nga

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông được đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh Nga phải đối mặt với hàng nghìn biện pháp trừng phạt của phương Tây sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraina. EEF 2022 được xem là cơ hội để Nga tìm kiếm những giải pháp, những quan hệ đối tác tin cậy để tháo gỡ những khó khăn gây ra bởi các lệnh trừng phạt. 

Từ vài năm qua Nga đã xác định chính sách xoay trục hướng Đông sang Châu Á, vì vậy diễn đàn có thể xúc tiến những đề xuất của Nga với các nước Châu Á, lấy khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên làm bàn đạp, để cụ thể hóa các sáng kiến này. Chiếm vị trí quan trọng trong chương trình của Diễn đàn là các cuộc đối thoại kinh doanh Nga - Ấn Độ, Nga - ASEAN, Nga - Mông Cổ, cuộc họp của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển vùng Viễn Đông của Nga và các tỉnh Đông Bắc -Trung Quốc, Hội nghị Thương mại và Đầu tư vùng Bắc Cực.

Dự kiến, tại phiên toàn thể ngày 7.9 của EEF 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, các mối quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế, cũng như các tiến trình ảnh hưởng.

Lượt xem: 68
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết