Doanh nghiệp Hà Nội đẩy mạnh sản xuất xanh
Sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay làm mô hình kinh tế tuần hoàn là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đang áp dụng.
Giảm phát thải, chuyển đổi sang các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay làm mô hình kinh tế tuần hoàn là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đang áp dụng. Đây sẽ là tiêu chí để doanh nghiệp được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối ở Hà Nội đã tham gia mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững |
Cơ hội cho doanh nghiệp
Ông Gregory Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) - nhận định, Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 và phát triển kinh tế xanh sẽ là động lực trong những năm tiếp theo. Năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam.
Bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, sản xuất xanh đã trở thành một chiến lược phát triển trong tương lai của các doanh nghiệp chứ nó không chỉ còn là xu hướng nữa. Các yêu cầu của thế giới yêu cầu giảm phát thải carbon cũng thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ cần phải có sự quan tâm sâu sát hơn về việc phát triển các sản phẩm có hàm lượng carbon thấp.
Sản xuất xanh không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí điện năng, hạ giá thành sản phẩm mà còn mở ra cho doanh nghiệp những cơ hội bước chân vào các thị trường khó tính, nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới tăng trưởng xanh bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh, bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm.
Chủ động chuyển đổi sản xuất xanh
Tại Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
“Đặc biệt, Hà Nội tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như: Mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh”- bà Phương Lan cho biết thêm.
Trưởng phòng kinh doanh Hà Nội của Wego Uniform - doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh đồng phục áo phông, doanh nghiệp, sơ mi văn phòng, áo khoác, chân váy… ông Nguyễn Quang Đức cho biết, với mong muốn đưa sản phẩm xanh, thân thiện môi trường đến với người tiêu dùng, Wego Uniform đã đưa ra thị trường quần áo được làm từ chất liệu cà phê (Eco Café) thấm hút mồ hôi tốt thân thiện với môi trường… “Wego Uniform tự tin xây dựng thương hiệu với những sản phẩm quần áo được làm từ tự nhiên, thân thiện với môi trường sẽ từng bước chinh phục khách hàng trong nước và xuất khẩu”- ông Nguyễn Quang Đức khẳng định.
Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và đang lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.