Doanh nghiệp yếu cạnh tranh do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Tăng tỉ lệ nội địa hoá đang là một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Việt Nam theo đuổi để hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu rủi ro, chủ động nguồn nguyên liệu và tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nhập khẩu.
Còn gặp khó khăn
Theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, đặt mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa của ngành đạt 51 - 55% nhu cầu cho giai đoạn 2021 - 2025, 56 - 60% nhu cầu cho giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, do những yêu cầu khắt khe về tính bền vững môi trường, các khu công nghiệp chuyên biệt có đủ điều kiện để tiếp nhận đầu tư sản xuất vải, nguồn nguyên liệu tại Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho hay, ngành dệt may Việt Nam là chưa tự chủ hoàn toàn nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu vải, dệt nhuộm. Ngành dệt may cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lí nước thải, bảo vệ môi trường… đáp ứng nguồn nguyên liệu cho ngành. Để ngành dệt may phát triển, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, theo ông Trương Văn Cẩm, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi từ phương thức gia công lên các phương thức cao hơn, trong đó, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải chủ động được nguồn cung vải. Nếu không gia tăng sản xuất vải, tự chủ nguyên liệu tại chỗ thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước như Bangladesh, Ấn Độ với chi phí lao động rất rẻ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phụ thuộc nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài chính là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam tăng, gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài cũng khiến không ít ngành sản xuất công nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Caosu nhựa TP Hồ Chí Minh - cũng đề cập, Việt Nam có lợi thế rất lớn về caosu thiên nhiên nhưng đối với caosu kĩ thuật thì lại phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Từng bước tự chủ, tăng tỉ lệ nội địa hoá
Tăng tỉ lệ nội địa hoá không chỉ là xu hướng của doanh nghiệp sản xuất trong nước mà nhiều doanh nghiệp FDI khi rót vốn đầu tư vào Việt Nam gần đây cũng rất quan tâm đến nội dung này để tự chủ sản xuất, gia tăng lợi nhuận.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Công ty Morinaga Milk Industry Group chia sẻ, doanh nghiệp khi đặt nhà máy sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên cũng đã phải nhập khẩu một số nguyên liệu của nước ngoài hoặc mua từ nhà cung cấp của nước ngoài tại Việt Nam như men, nước, trái cây, khoáng chất... với giá thành cao.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5.2023 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kì năm trước.
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - đặt trong bối cảnh chuyển đổi quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), kết nối tài chính, sự linh hoạt của đối tác buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn.
Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện vẫn chưa làm chủ nguyên liệu, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao, chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu là nước có nền công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nội dung đề án nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của sản xuất công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là phải phấn đấu để xây dựng nền công nghiệp tự chủ và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong toàn ngành.