• :
  • :

Động lực mới từ đột phá ngoại giao kinh tế

Các hoạt động ngoại giao kinh tế góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2023 đạt 683 tỉ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỉ USD, nhiều nhất từ trước tới nay. Bên cạnh các động lực truyền thống, nhiều ý kiến cho rằng, ngoại giao kinh tế cần ưu tiên khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như trí tuệ nhân tạo - AI, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Động lực mới từ đột phá ngoại giao kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm nhà máy của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Những kỷ lục mới trong thu hút đầu tư

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, những dấu ấn nổi bật trong công tác hội nhập và liên kết kinh tế, thu hút đầu tư quốc tế thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế đang đóng góp tích cực vào đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong nước như việc Việt Nam ký kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm các nước G7 và châu Âu với nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỉ USD; thu hút thành công các dự án đầu tư xanh và công nghệ cao như dự án nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới trị giá 1,3 tỉ USD của Tập đoàn Lego.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào đầu tháng 4.2024 cho thấy, trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác được xác lập.

Cùng với 16 FTA được ký kết, Bộ Ngoại giao đang tiếp tục thúc đẩy triển khai và hỗ trợ thiết lập các khuôn khổ hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế như đàm phán CEPA với UAE, các FTA với EFTA, Mercosur; tích cực vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam...

Các hoạt động ngoại giao kinh tế được đánh giá là trợ lực quan trọng góp phần thu hút FDI đạt gần 36,6 tỉ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỉ USD, cũng cao nhất từ trước đến nay.

Tạo đột phá trong hợp tác bán dẫn và AI

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Trong các định hướng để tăng cường hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, tại hội nghị đầu tháng 4.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý nội dung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới, các lĩnh vực mới và mang tính đột phá như bán dẫn, hydrogen, AI.

Theo đó phải tạo các đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, năng lượng; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cũng cho rằng, bên cạnh việc tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, ngoại giao kinh tế cần ưu tiên khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như trí tuệ nhân tạo - AI, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Trong các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế năm 2024, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề xuất cần tập trung đôn đốc, thúc đẩy các thỏa thuận với các đối tác, nhất là trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh.

Tạo dựng động lực tăng trưởng mới

Khi nói về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, làm thay đổi rất nhanh cấu trúc kinh tế thế giới. Chính phủ cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.

Ngoại giao kinh tế Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng quốc tế

Theo TS Bùi Thị Huyền - Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hiện nay, các tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương, các đối tác phát triển đang quan tâm và chú trọng, ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho các dự án mang tính cộng đồng, toàn cầu, như chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số. Ngoại giao kinh tế của Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng đó. Các hoạt động ngoại giao không chỉ cần phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước mà còn cần đẩy mạnh xu thế hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số nhằm thu hút tốt hơn sự quan tâm của các đối tác.

"Do đó, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tăng cường thúc đẩy hợp tác với các đối tác nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư" - TS Bùi Thị Huyền nhận định.

Lượt xem: 8
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết