Giá xăng, dầu dự kiến sẽ tăng nhẹ trong ngày 21/2
Ngày mai (21/2), giá xăng bán lẻ được dự báo sẽ có lần thứ 3 liên tiếp được điều chỉnh tăng giá bán; trong khi đó, giá dầu có khả năng sẽ được điều chỉnh giảm. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nếu không trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 250 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu có khả năng giảm 500 đồng/lít.
Theo dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này tăng, còn giá dầu giảm so với kỳ tính giá trước đó (ngày 13/2). Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật đến ngày 15/2 là 98 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 101,3 USD/thùng, tăng nhẹ so với chu kỳ trước.
Giá xăng dầu được dự báo sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ trong ngày 21/2 |
Trong khi đó, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 15/2 đang tăng, giảm trái chiều so với chu kỳ trước. Theo đó, bình quân giá dầu diesel và dầu hỏa giảm hơn 2 USD/thùng; tuy nhiên, giá dầu mazut lại đang có xu hướng tăng khi có giá là 24,851 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô gần đây có xu hướng giảm. Tuần qua, có tới 4 phiên giảm và chỉ duy nhất 1 phiên tăng. Giá dầu Brent kết tuần qua ở mức 83 USD/thùng, dầu WTI chốt tuần ở mốc giá 76,34 USD/thùng.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu, trong kỳ điều hành ngày mai (21/2), giá xăng có thể tăng nhẹ, còn giá dầu tiếp tục giảm song mức tăng, giảm cụ thể còn phụ thuộc vào việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo dự báo, giá xăng bán lẻ vào ngày mai có thể sẽ được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng ở mức 250 - 260 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa có khả năng giảm 500 đồng/lít, dầu diesel giảm 450 đồng/lít. Nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 3 liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 3 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.
Liên quan đến điều hành giá xăng, dầu, tại dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 2, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong quản lý xăng, dầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại đề xuất giao Bộ Công Thương đảm nhận hết phần việc của Bộ Tài chính đang làm hiện nay. Bộ Tài chính sẽ chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo quy định.
Hiện Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng, dầu. Còn Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.