Gỡ khó để doanh nghiệp không thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động
Nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu khối ngành gỗ, dệt may, da giày, cơ điện ở Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn do không có đơn hàng. Các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương kiến nghị tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất để doanh nghiệp duy trì được dòng vốn, đảm bảo hoạt động qua giai đoạn khó khăn, giữ việc làm ổn định cho người lao động.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Sang quý II/2023, tình hình sản xuất công nghiệp ở Bình Dương chững lại, không còn tăng trưởng mạnh như những năm trước đây. Nhiều công ty sản xuất hàng xuất khẩu ở Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình trên thế giới.
Vốn lưu động của doanh nghiệp thiếu hụt nghiêm trọng do khách hàng chậm thanh toán. Ngoài ra, tình trạng khách hàng yêu cầu lùi thời gian xuất hàng cũng khiến hàng tồn kho của doanh nghiệp tại nhà máy, kho ngoại quan, cảng tăng.
Theo Sở Lao động - Thương binh Xã hội tỉnh Bình Dương, ngoài các khó khăn trên, doanh nghiệp còn khó tiếp cận nguồn vốn vay do lãi suất tăng cao, có công ty không còn tài sản bảo đảm để cầm cố thế chấp. Phương án kinh doanh của doanh nghiệp thì không ổn định vì chưa có đơn hàng xuất khẩu mới.
Trong bối cảnh trên, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị của nhiều doanh nghiệp bị chững lại khi thiếu vốn. Doanh nghiệp không có tiền để mua hàng và ứng dụng công nghệ vào các dây chuyền.
Ngoài ra, các quy định mới về pháp luật môi trường và phòng cháy chữa cháy đưa ra những tiêu chuẩn rất cao cũng là một vấn đề của doanh nghiệp. Nhiều công ty cho biết gặp khó khăn trong việc thực hiện đảm bảo đúng quy định hoặc phải tốn thêm chi phí đầu tư.
Xu hướng thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động
Những năm trước, ngành gỗ Bình Dương luôn gia tăng công suất, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại để xuất khẩu hàng hóa. Ngành gỗ xuất khẩu ở Bình Dương chiếm gần 50% tổng kim ngạch cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thị trường lớn trên thế giới bị ảnh hưởng, tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm, đặc biệt ở các thị trường chính xuất khẩu đồ gỗ lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu.
Đại diện Công ty TNHH Gỗ H.T (phường Dĩ An, TP Dĩ An) cho biết, trước đây đơn hàng nhiều, có thời điểm số lao động ở các nhà máy lên tới 3.000 người. Đến nay, do đơn hàng giảm công ty phải thu gọn sản xuất, giảm bớt lao động, hiện còn khoảng gần 2.000 lao động. “Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là đơn hàng, không có đơn hàng thì không thể thúc đẩy sản xuất được” - đại diện công ty này cho biết.
Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, do đơn hàng của khối doanh nghiệp gỗ giảm nên các công ty phải giảm giờ làm việc. Trong quý I/2023, nhiều doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ Tết Nguyên đán sớm và kéo dài thời gian nghỉ.
Khối doanh nghiệp dệt may cũng bị biến động ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nga. Đơn hàng từ các thị trường này sụt giảm nghiêm trọng. Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp Hiệp hội Dệt may đơn hàng bị giảm hơn 40% so với cùng kì năm trước. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang đợi thông tin khả quan từ các thị trường trên.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp dệt may không thể giữ chân người lao động. Tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, một công ty may mặc phải thông báo cho 190 lao động nghỉ việc do không có đơn hàng mới trong 1 năm gần đây, buộc phải dừng hoạt động toàn bộ nhà máy.
Các ngành da giày, cơ điện tại Bình Dương: Tình hình sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp chỉ đạt được từ 50-60%. Sản lượng giảm nên các doanh nghiệp trong 2 lĩnh vực này cũng gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn, giữ việc làm ổn định cho người lao động.
Kiến nghị gỡ khó, giảm lãi suất cho doanh nghiệp
Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương đã có báo cáo về tình hình hoạt động doanh nghiệp và lao động. Trong đó, sở có đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Từ đó giúp doanh nghiệp duy trì được dòng vốn, đảm bảo hoạt động qua giai đoạn khó khăn.Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn vay ưu đãi, giảm lãi suất để các nhà máy có vốn duy trì sản xuất. Đồng thời, kiến nghị giãn nộp thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023.