Hà Giang: Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực theo hướng hàng hóa
Tỉnh Hà Giang đã phân hạng được 278 sản phẩm OCOP, trong đó có 231 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh.
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP), từ tháng 3/2018 đến tháng 6/2023, tỉnh Hà Giang đã phân hạng được 278 sản phẩm OCOP, trong đó có 231 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là trà xanh hộp bà cụ 100 gam và hồng trà 100 gam của Hợp tác xã chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì.
Trà xanh hộp và hồng trà hộp của Hoàng Su Phì, Hà Giang đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia |
Trong quá trình phát triển sản phẩm, Hà Giang đã xác định phát triển các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng trong quá trinh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm OCOP sẽ phát huy và khai thác các tiềm năng và lợi thế của các địa phương trong quá trình phát triển sản phẩm.
Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP chủ lực của Hà Giang như: Mật ong bạc hà và thịt lợn đen Lũng Pù huyện Mèo Vạc, chè Shan tuyết cổ thụ vùng cao, bò vàng tại 4 huyện cao nguyên đá, cam sành của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần, gạo khẩu mang huyện Đồng Văn, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh... Đây cũng là các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của tỉnh; trong đó, các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (gồm cam sành, chè Shan tuyết, bò vàng, mật ong bạc hà…).
Ông Hoàng Gia Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực theo hướng hàng hóa. Để phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa thì yếu tố chất lượng phải được được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm có vai trò quan trọng để giúp sản phẩm có những bước phát triển bền vững.
Để phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực theo hướng hàng hóa, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chí không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, trong niên vụ 2022 - 2023, tổng diện tích cam sành của tỉnh đạt trên 6.200ha và sản lượng cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 45.700 tấn.
Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước (chỉ sau Lâm Đồng và Thái Nguyên). Tính đến tháng 6/2023, tổng diện tích chè của Hà Giang đạt gần 19.500ha (chủ yếu là chè Shan và chè Shan cổ thụ, chiếm trên 90% diện tích); trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt trên 17.000ha và sản lượng chè búp tươi đạt gần 72.000 tấn/năm. Trong đó, chè đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP đạt gần 7.500ha, chè hữu cơ đạt trên 5.600ha.
Xe của thương lái dưới xuôi lên thu mua bò vàng tại chợ Mèo Vạc, Hà Giang |
Ngoài ra, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung phát triển đàn trâu, bò hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Tính đến tháng 6/2023, tổng đàn trâu, bò của tỉnh đạt gần 28.500 con, chủ yếu tập trung tại 4 huyện cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ chiếm trên 65% tổng đàn trâu, bò của tỉnh). Giống bò vàng là một trong các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh. Bò vàng Hà Giang có năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon và đã được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn.
Trong những năm qua, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Phục hồi và cải tạo giống bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo”. Nhờ đó, năng suất và chất lượng thịt bò vàng của Hà Giang không ngừng được nâng lên.
Mật ongbạc hà Mèo Vạc - sản phẩm OCOP chủ lực của Hà Giang trên cao nguyên đá |
Bên cạnh đó, Hà Giang đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Bảo tồn nguồn gen của giống ong nội địa phương” nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mật ong bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá. Tính đến thời điểm tháng 6/2023, tổng đàn ong của tỉnh đạt trên 34.500 đàn (trong đó, riêng 4 huyện cao nguyên đá có trên 21,5 nghìn đàn, chiếm trên 62% tổng số đàn ong của tỉnh) và tổng sản lượng mật ước đạt gần 194 tấn/năm. Việc đẩy mạnh phát triển đàn ong khai thác mật hoa cây bạc hà đã góp phần phát triển sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh theo hướng hàng hóa.