• :
  • :

Hạn chế nợ xấu liên quan đến bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, hạn chế nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, liên quan đến trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: QH)

Sáng 14/4, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 10. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/5.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án Luật: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung nội quy kỳ họp Quốc hội và đề án, dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; Cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

phiên họp thứ 10.

Toàn cảnh phiên họp thứ 10

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều chuyển biến quan trọng trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Do vậy, các đại biểu tập trung cho ý kiến đánh giá vai trò và kết quả của Nghị quyết 42, xem nếu còn vướng mắc thì ở chỗ nào.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua nghiên cứu sơ bộ thì đồng chí nhận thấy vướng mắc chủ yếu ở khâu thực thi. Vì vậy, cần làm rõ tổng số nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 là bao nhiêu, đã xử lý được bao nhiêu còn lại là như thế nào, kể cả nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu trong hệ thống khác, mà nội bảng là phải theo chuẩn mực.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, báo cáo cơ quan thẩm tra chưa nói kỹ vấn đề này. Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là do ảnh hưởng của COVID-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.

Do vậy, cần đánh giá kỹ xem trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến đâu, từ đó mới xem xét cho kéo dài Nghị quyết 42 hay không, nếu có thì cho bao lâu. Nghị quyết 42 này không thể tồn tại mãi được, đã có phương án cho xây dựng Luật Xử lý nợ xấu rồi mà sao vẫn đề xuất kéo dài.

Tiếp đó, Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Cho ý kiến về việc dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án, các khoản vốn chưa phân bổ; phương án phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó: Xem xét về danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi kinh tế và phương án điều hòa vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (nếu Chính phủ kịp trình).

Về công tác giám sát, sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Lượt xem: 188
Tác giả: Anh Đức
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...