• :
  • :

Huyện Đức Thọ đấu giá đất mà cứ như đang bán đồ trong chợ?!

Ở Hà Tĩnh có văn hóa nói thách, nghĩa là khi ra chợ, cứ phải trả giá xuống mới không bị mua hớ. Nhìn cách ra giá đấu giá và giải thích của lãnh đạo huyện Đức Thọ, cứ hệt như họ đang bán đồ trong chợ vậy.

Bồi thường giá bèo, đem bán giá gấp hơn 100 lần

Năm trước, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá một khu đất mặt tiền quốc lộ 8A, đoạn qua thôn Hòa Bình (xã Lâm Trung Thủy) với giá khởi điểm 600 triệu đồng/lô 160m2. Kết thúc đấu giá, các lô đất được bán với giá trên dưới 1 tỷ đồng.

Tiếp nối thành công, năm nay, huyện Đức Thọ tiếp tục đấu giá khu đất ngay bên cạnh khu đất năm trước. Được đặt tên là Khu QH thôn Hòa Bình, khu đất gồm 9 lô đất, được lên thổ cư để tổ chức đấu giá với mức khởi điểm từ 3,52 tỷ đồng – 4,7 tỷ đồng/lô.

Nguồn gốc của 9 lô đất là đất trồng lúa của người dân, vừa được UBND huyện Đức Thọ thu hồi vào giữa năm 2021 với giá bồi thường 90 triệu đồng/sào (500m2), đơn giá khoảng 180.000 đồng/m2. Chỉ 8 tháng sau, khu đất này được đem bán đấu giá với đơn giá 22 triệu đồng/m2, gấp hơn 100 lần đơn giá bồi thường cho người dân.

Có nhiều hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện khu QH thôn Hòa Bình, người ít bị thu hồi hơn 100m2, được bồi thường hơn 10 triệu, người nhiều mất hơn 1.000m2, được bồi thường 180 triệu đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều hộ vẫn chưa nhận được khoản tiền này. Việc UBND huyện bồi thường với mức giá bèo bọt rồi đem bán với giá trên trời khiến những hộ dân này rất bất ngờ.

Được biết, tại Hà Tĩnh, đất nông nghiệp được nhà nước giao có thời hạn cho người dân để canh tác. Tuy nhiên, tại vị trí những ruộng lúa bị thu hồi và toàn bộ xã Lâm Trung Thủy, theo nhiều người dân phản ánh, đất được giao đã hết hạn từ năm 2016 nhưng chính quyền địa phương vẫn không có động thái giao lại đất hoặc gia hạn sử dụng đất. Do đó, dù bị áp giá bồi thường bèo bọt nhưng người dân vẫn đành phải chấp nhận.

Điều khiến các hộ dân lo lắng là sau này sẽ làm việc gì để sinh sống khi phần đất canh tác nông nghiệp, nguồn thu nhập chính của gia đình đã bị thu hồi, trong khi đó số tiền bồi thường quá ít để có thể chuyển đổi sang công việc khác.

Khu đất bên cạnh mới bán đấu giá năm ngoái cũng chỉ có giá khởi điểm từ 600 triệu đồng

Đấu giá đất mà cứ như bán đồ trong chợ?!

Giá bán huyện đưa ra còn khiến người dân thắc mắc là đang bán đất cho ai, khi thực tế khu đất bán đấu giá năm ngoái, người mua chủ yếu là đến từ địa phương khác, các giao dịch đất gần đây trên địa bàn cũng là người từ nơi khác về lùng mua đất của dân bản địa. Với người dân địa phương, mức giá hiện tại quá cao, vượt quá khả năng thu nhập của họ.

Tuy nhiên, thay vì có phương án điều chỉnh thích hợp, huyện Đức Thọ lại khiến dư luận dậy sóng khi đợt đấu giá đất năm nay họ ra giá cao ngang ngửa nhiều khu vực của các khu đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

Cả giới cò đất địa phương cũng cho rằng mức giá của huyện đưa ra khó có người nào vào mua. Thực tế, theo Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Nhật, đơn vị đấu giá 9 lô đất nói trên cho biết, dù đã ra thông báo đấu giá từ tháng 2, nhưng đến nay vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào nộp hồ sơ tham gia đấu giá.

Trả lời trên báo Vietnamnet, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Đức Thọ cho rằng, sở dĩ 9 lô đất có giá cao vì nằm gần quy hoạch Khu đô thị Tam Đồng, gần cao tốc Bắc – Nam nên có tiềm năng rất lớn.

Ông Dũng cho rằng, sợ đưa ra mức thấp chứ đưa ra giá cao thì không lo. Nếu đưa mức cao mà không bán được thì giảm xuống đến khi nào khách hàng cảm thấy phù hợp. Qua 3 lần thông báo đấu giá nếu không có người mua thì huyện sẽ giảm.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành mỗi lần giảm tiền đấu giá chỉ được giảm không quá 10% giá khởi điểm của lần bán đấu giá trước đó, như vậy số tiền vẫn còn quá cao so với giao dịch bất động sản thực tế tại xã Lâm Trung Thủy. Và có lẽ, huyện Đức Thọ phải nhiều lần giảm giá khởi điểm nữa may ra mới có người mua.

Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) để đưa ra giá khởi điểm thường phải thông qua Hội đồng định giá, gồm khoảng 3 phòng ban cấp huyện. Hội đồng thẩm định giá phải căn cứ vào bảng giá đất tại khu vực do UBND cấp tỉnh ban hành, chi phí chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, chi phí xây dựng hạ tầng (nếu có) và cuối cùng là giá đất thực tế tại địa phương để tư vấn giá khởi điểm cho UBND huyện.

Tuy nhiên, không hiểu UBND huyện Đức Thọ và Hội đồng định giá căn cứ vào đâu để đưa ra giá khởi điểm cao gấp 3 lần giá thị trường và gấp 6 lần giá khởi điểm của khu đất đấu giá năm ngoái.

Được biết, đây không phải khu đất đầu tiên bị UBND huyện Đức Thọ “hét giá” trên trời. Trước đó, ngày 26/1, Công ty Đấu giá Hợp danh Hồng Lĩnh cũng ra thông báo đấu giá 12 lô đất Vùng quy hoạch Nhà Lay Trên (thị trấn Đức Thọ).

Khu đất này cũng có nguồn gốc đất lúa, được lên thổ cư và đem bán đấu giá với mức khởi điểm UBND huyện đưa ra là 2,08 tỷ đồng – gần 4,5 tỷ đồng cho các lô đất diện tích từ 160m2 – 149,5m2. Kết quả đấu giá không thành do chỉ bán được 2 bộ hồ sơ, trong đó chỉ có 1 bộ hồ sơ tham gia đấu giá. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc giá khởi điểm quá cao so với giá đất tại khu vực.

Ở Hà Tĩnh có văn hóa “nói thách”, nghĩa là người bán hàng ngoài chợ luôn đưa ra giá cao gấp mấy lần giá trị món đồ họ bán. Ai mua hàng thì trả giá xuống đến mức giá người bán hàng cảm thấy phù hợp mới đồng ý, nhiều người lơ ngơ trong việc trả giá đã bị mua hớ.

Nhìn cái cách UBND huyện Đức Thọ hét giá và cách giải thích của họ, tôi mường tượng họ không phải đang đấu giá đất mà đang bán món đồ trong chợ vậy!

Khắc Thành
Lượt xem: 220
Tác giả: Khắc Thành
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...