Kết nối địa phương và doanh nghiệp phát triển du lịch
Sáng 8/8, tọa đàm "Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp nhằm phục hồi và phát triển du lịch" đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam, với chủ đề "Tăng trưởng du lịch quốc tế, phục hồi toàn diện du lịch Việt Nam" do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Tư duy đổi mới du lịch
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay, ngành đang không ngừng nỗ lực cùng các địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn và điểm nghẽn trong phục hồi và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, những đơn vị này cũng phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch nhiều địa phương triển khai phong phú hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Chương trình Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam lần này có đại diện khoảng 9 tỉnh, thành phố, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp dẫn đầu sẽ là đầu mối thúc đẩy hiệu quả kết nối chương trình du lịch. Thông qua chương trình lần này, Bộ hy vọng lắng nghe, ghi nhận và tìm ra giải pháp khắc phục điểm những điểm nghẽn, mở rộng và khơi thông thị trường du lịch trên cơ sở cùng nhìn lại sự phục hồi và phát triển ngành Du lịch trong thời qua để tiến xa hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị ngành Du lịch các địa phương phải có tư duy mới, nhất là tư duy số hóa ngành, hợp tác và phát triển địa phương... Bởi muốn làm du lịch thì phải có sản phẩm du lịch và nếu chỉ khai thác những gì đã có sẵn thì không thể đáp ứng được xu hướng thị trường hay thị hiếu du khách. Các địa phương cần khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa - văn hóa; du lịch sinh thái; cải thiện dịch vụ; liên kết phải đi vào chất lượng... Mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc, cũng như tiếp tục quan tâm và bổ sung cụ thể hóa những chương trình hành động, góp phần kiến tạo chính sách...
Riêng doanh nghiệp được xác định là “trái tim” của nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, nên chủ động rà soát lại hoạt động, đổi mới sáng tạo, hòa nhập vào xu hướng bứt phá thị trường... Cụ thể, doanh nghiệp tính toán và đi sâu vào nhóm nhu cầu mới của ngành Du lịch, khai thác tối đa xu hướng thị trường và đáp ứng thị hiếu du khách. Đối với những vấn đề doanh nghiệp không vượt khó được thì chính quyền địa phương và ngành sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ, tìm giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã và đang đề xuất nhiều cơ chế chính sách và thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý cho ngành Du lịch phục hồi và phát triển. Bộ cũng thúc đẩy hoàn thiện quy hoạch ngành Du lịch không chỉ dừng lại ở giải pháp, mà là hướng đến mục tiêu và động lực. Điển hình, đầu tư cho ngành Du lịch cần giải quyết bài toán căn cơ và dựa trên khai thác tiềm lực xã hội; đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá trên thị trường du lịch quốc tế bên cạnh thị trường nội địa.
Tham gia tọa đàm, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì là năm triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau hai năm thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19. Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2023-2025, bảo bảo tốc độ tăng GRDP khoảng 8-8,5%/năm giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, du lịch được thành phố xem là ngành quan trọng của nền tảng kinh tế, không chỉ bởi sự đóng góp vào tổng thu kinh tế, mà còn là ngành dịch vụ tổng hợp tạo nhiều việc làm. Ngành Du lịch có tính liên ngành, xã hội hóa cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển cho ngành nhiều ngành khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháo gỡ "điểm nghẽn"cho địa phương
Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ghi dấu ấn khích lệ khi đã đón khoảng 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch đạt 60.379 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 75,5% so với kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất "khiêm tốn" so với trước dịch COVID-19, cũng như tiềm năng thu hút khách du lịch của thành phố.
Bên cạnh ban hành chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi và phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng nâng chất, phát triển sản phẩm đặc trưng, tuyên truyền quảng bá xúc tiến thị trường, khởi động liên kết hợp tác địa phương và vùng... Thành phố triển khai giải pháp đồng bộ với đa dạng hoạt động đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu đóng góp tích cực vào tăng trưởng du lịch cả nước.
Một số doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cho hay, tọa đàm lần này là rất thiết thực và là bước khởi đầu mạnh mẽ cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa địa phương và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch như khách sạn, vận chuyển, cung ứng dịch vụ... trên cả nước nói chung, với mục tiêu thu hút du khách từ thị trường quốc tế sau dịch COVID-19. Song song đó, ngành du lịch địa phương, cùng Hiệp hội Du lịch có thể thảo luận về những vấn đề, gồm kết nối, giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương.
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours chia sẻ, để giải bài toán làm sao nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay. Trong đó, có thể kể đến nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch chỉ tập trung phát triển tại một số điểm đến như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long..., trong khi một số vùng khác chưa thật sự mở cửa và được đầu tư quảng bá, thu hút du khách. Mặt khác, hạ tầng cơ sở nội tại quá tải, ngay cả cửa vào là thủ tục cấp visa cho khách quốc tế cũng còn khó khăn, gây ra nhiều rào cản khi doanh nghiệp đưa khách đến địa phương.
Tương tự, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Saigontourist) chỉ ra rằng, phục hồi và phát triển du lịch phải phát triển hoàn toàn du lịch quốc tế mà cụ thể là khách inbound, không thể chỉ phụ thuộc vào du lịch nội địa. Về phía địa phương, cần có kế hoạch xây dựng những sản phẩm, chương trình hội nghị, hội thảo không chỉ về du lịch mà còn về ngoại giao, văn hóa, thể thao...
Chỉ khi có nhiều sự kiện lớn mới tạo ra điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đón được những dòng khách ngoại giao, đầu tư, thương mại của các thị trường chính mà đang còn ảnh hưởng về rào cản dịch bệnh. Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty lữ hành quốc tế Travel Mart đề xuất, để sớm khơi thông dòng chảy khách quốc tế, Việt Nam phải sớm có trao đổi với mạng lưới cơ quan ngoại giao để sớm mở cửa song phương một số thị trường khách lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)...
Cùng với đó, Bộ phải tháo gỡ điểm nghẽn cho từng địa phương, xây dựng được thể chế xúc tiến vùng để hình thành phong sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách quốc tế. Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cho rằng, cơ cấu doanh thu của 18 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019 còn lớn so với doanh thu của 85 triệu khách nội địa.
Điều này cho thấy, thị trường quốc tế vô cùng quan trọng đối với hạ tầng du lịch Việt Nam, nên ngành Du lịch và địa phương khẩn trương định hướng nguồn khách và thị trường cho ngành, cũng như doanh nghiệp theo hai giai đoạn, từ nay đến cuối năm và sau 2023. Về sản phẩm, Việt Nam cần có hệ thống sản phẩm khác biệt, với mỗi địa phương cần có ít nhất một sản phẩm đặc sắc nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm mới đủ sức cải thiện năng lực cạnh tranh, lợi thế hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.