Khẳng định vị thế "đầu tàu" kinh tế của cả nước
Ngày 3/1, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội năm 2024 ước tăng 6,52% so với năm trước (quý I tăng 5,41%; quý II tăng 6,80%; quý III tăng 6,71%; quý IV tăng 7,01%).
Năm 2024, kinh tế Thủ đô tăng trưởng 6,52%. Ảnh minh họa |
Năm 2024, kinh tế Thủ đô tăng trưởng 6,52%
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, TP đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. "Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột chính trị, quân sự; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại tới sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân..., những kết quả trên là tích cực, đáng ghi nhận"- đại diện Cục Thống kê Hà Nội chia sẻ.
Với mức tăng trưởng trên, quy mô GRDP khoảng 59 tỷ USD, lớn thứ 2 cả nước, GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8%…
Khu vực dịch vụ tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế với mức tăng cả năm đạt 7,14%, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng GRDP chung toàn TP. Du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều sản phẩm tour đêm thu hút được đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của du khách. Năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô thu hút được 28 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm trước.
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2024 ước tính tăng 6,21% so với năm trước, đóng góp 1,34 điểm % vào mức tăng GRDP. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì ổn định sản xuất và ký kết được thêm các đơn hàng mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, năm 2024, ghi nhận nỗ lực vượt bậc của hoạt động xuất nhập khẩu của TP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 19,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu đạt 41 tỷ USD, tăng 9,4%. Kết quả này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng (509.000 tỷ) tăng gần 23,8% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước.
Tăng trưởng kinh tế Hà Nội năm 2024. Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội |
Năm 2024, TP tập trung chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư và đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các công trình, dự án trọng điểm kịp chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tính chung năm 2024, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,7%.
TP cũng chú trọng thu hút vốn đầu tư, tạo mọi điều kiện và cơ chế thông thoáng mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn; dự kiến năm 2024, Hà Nội thu hút gần 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.
Năm 2025, TP Hà Nội đặt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gồm 25 chỉ tiêu, trong đó 5 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 chỉ tiêu xã hội; 7 chỉ tiêu đô thị, nông thôn, môi trường. Trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 6,5%; GRDP bình quân đầu người 172,4 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo...
Những kết quả khả quan năm 2024 sẽ tạo đà cho Hà Nội tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển" trong năm 2025.
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Theo Cục Thống kê Hà Nội, những động lực cho tăng trưởng của TP năm 2025 sẽ là các động lực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Năm 2024 khách du lịch tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2025, ngành Du lịch Thủ đô Hà Nội đặt mục tiêu phục vụ trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024. TP tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn liền với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Về xuất khẩu, tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.
Hà Nội cũng tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, đẩy mạnh đầu tư công. Trong đó ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm các dự án giao thông, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (y tế, di tích và giáo dục)... Thành phố tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.
Hà Nội cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Hà Nội đổi mới quản trị chính quyền địa phương gắn với chuyển đổi số; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; Nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PARIndex và SIPAS... TP phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng TP thông minh.
Tại hội nghị khóa sổ quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 với tinh thần mới, khí thế mới, vươn mình, trỗi dậy trên tất cả các mặt, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.