• :
  • :

Khánh Hòa: Hướng nuôi biển công nghiệp giá trị xuất khẩu 1 tỷ đô la Mỹ

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 1.500 ha, sản lượng nuôi biển đạt 30.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ đô la Mỹ.

Tiềm năng và thách thức phát triển nuôi biển

Sáng 12/5 tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Kỷ nguyên nuôi biển tiến ra xa bờ”.

nuôi biển

Tại Hội thảo, ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hoà là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có đường bờ biển dài 385 km, trải dài từ đoạn bờ phía bắc thôn Đông thuộc xã Đại Lãnh đến mũi Cà Tiên thuộc xã Cam Lập, với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ; nhiều đầm, vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho phát triển thuỷ sản trong đó có nuôi trồng thuỷ sản trên biển..

Vì vậy, phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bao an ninh vùng ven biển. Hoạt động nuôi biển đã được triển khai rộng khắp tại các địa phương ven biển, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động vùng biển và hải đảo...

ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng bày tỏ: Nuôi trồng thuỷ sản trên biển tỉnh Khánh Hoà đang đối mặt với những thách thức, khó khăn trong phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh nuôi trồng thuỷ sản lồng bè truyển thống trên biển đang hiện hữu chủ yếu là gần bờ, qui mô nhỏ lẻ, công nghệ nuôi (bao gồm cả hạ tầng, vật liệu và kỹ thuật nuôi) đang gây áp lực ô nhiễm môi trường và chồng chéo việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao.

“Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan như mưa, gió, bão, lũ lụt, khô hạn, nắng nóng,… xuất hiện thường xuyên hơn, chuyển biến theo hướng cực đoan và khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển”, ông Trần Hòa Nam thông tin thêm.

Đánh giá về tiềm năng phát triển nuôi biển công nghiệp của tỉnh Khánh Hòa, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhận xét: Khánh Hòa là địa phương có vị trí hết sức đặc biệt trong phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung và lĩnh vực nuôi biển công nghiệp nói riêng.

Tỉnh Khánh Hòa có đường bờ biển dài, có vùng vịnh kín phong phú, hệ sinh thái biển giàu có, đặc sắc. Đây cũng là địa phương có truyền thống lâu đời trong "chinh phục" biển cả, trong đó có nghề nuôi biển. Với những tiềm năng về vùng biển, Khánh Hòa là địa phương phù hợp để phát triển nuôi biển xa bờ.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam

“Khánh Hòa có thuận lợi rất lớn khi có mô hình Công ty Australis với quy mô trên 10 nghìn tấn cá/năm, là doanh nghiệp đứng đầu thế giới về nuôi cá chẽm theo công nghệ tiên tiến, với quy trình nuôi khép kín. Chúng ta cần nhân rộng mô hình này, phát động những cuộc thi, ngoài lồng nổi HDPE thì có thể sáng tạo, sản xuất những loại lồng chìm khác nhau, phát triển nuôi cá biển trên các tàu biển để có thể kiểm soát môi trường. Đây là những công nghệ mà thế giới đã có, đã làm, song song với đó là việc phối hợp với các ngành kinh tế khác như du lịch biển, điện gió, dầu khí, vận tải biển, đóng tàu để có phối cảnh hài hòa về kinh tế biển”, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.

Xây dựng đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 đã xác định mục tiêu: “Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc”.

Đặc biệt là, ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đã định hướng: “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.

Do đó, hiện nay UBND tỉnh Khánh Hòa đang tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành vùng nuôi biển xa bờ vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Vịnh Vân Phong là trung tâm nuôi biển ứng dụng công nghệ cao của Khánh Hòa.
Nuôi biển ứng dụng công nghệ cao phát triển tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết, mục tiêu chung của đề án là phát triển nuôi biển tỉnh Khánh Hoà theo hướng góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thuỷ sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thuỷ sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 - 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ. Bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 1.500 ha, thể tích lồng nuôi đạt 4,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 30.000 tấn, trong đó: Nuôi biển trong phạm vi 3 hải lý (ven bờ): 800 ha, thể tích lồng nuôi đạt 2,5 triệu m3; sản lượng đạt 12.000 tấn và Nuôi biển trong phạm vi từ 3-6 hải lý (xa bờ): 700 ha, thể tích lồng nuôi đạt 1,5 triệu m3; sản lượng đạt 18.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.042 triệu đô la Mỹ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng kêu gọi Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đồng hành với tỉnh trong việc hỗ trợ, liên kết, đầu tư xây dựng các mô hình nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại (nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE), công nghệ thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi biển (phao, lưới, lồng nuôi… bằng vật liệu mới), từng bước đưa ngành nuôi biển phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay, mang lại lợi ích kinh tế cho chính các hộ nuôi nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp, vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế của cả tỉnh.

Theo Đề án này, tỉnh Khánh Hòa đặt ra 6 nhiệm vụ chính để phát triển nuôi biển công nghệ cao. Đó là về sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; Về công nghệ nuôi thương phẩm; Về quan trắc môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Về dịch vụ hậu cần nuôi biển; Về bảo quản và tiêu thụ sản phẩm và về chuyển đổi công nghệ nuôi biển ven bờ.
Lượt xem: 4
Tác giả: Đức Thảo