• :
  • :

Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản dự báo sẽ được khơi thông dòng vốn khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước được xem xét, sửa đổi mở rộng cho vay với những dự án chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2% để tạo cơ hội cho doanh nghiệp địa ốc, người dân tiếp cận vốn vay giá rẻ.

Nhiều cuộc họp “giải cứu”

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp bàn về việc rà soát Thông tư số 06 của Ngân hàng Nhà nước về những điều kiện cho vay bất động sản. Cuộc họp với sự tham gia của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng các Phó Thống đốc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng,… và nhiều doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, Thông tư 06 cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn, để tránh gây ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường của doanh nghiệp bất động sản trong đầu tư, mua bán, sáp nhập, góp vốn, tái cơ cấu...

Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản
Sắp tới, dự án chưa đủ điều kiện pháp lý cũng sẽ được hỗ trợ vay vốn. (Ảnh minh họa: H.Phong)

Nhiều ý kiến cũng trao đổi về các cụm từ: “Dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh”, “bù đắp tài chính” và đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thời gian “dưới 12 tháng” lên thành 24 hoặc 36 tháng cho phù hợp với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại…

Kết luận trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, luôn lắng nghe phản ánh từ thực tế để kịp thời có những chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao cũng như tình hình thực tế… nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh bền vững. Chính vì vậy, quy mô dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng đều qua các năm và đến nay đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm 21,63% tổng dư nợ nền kinh tế.

Ông Quang cho biết thêm, sau khi Thông tư 06 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến của thị trường cũng như phản hồi của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề để xem xét. “Cần thiết sẽ chỉnh sửa, bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng luôn an toàn, lành mạnh và không có những rủi ro phát sinh”, ông Quang nói.

Trước đó, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn về nguồn vốn, pháp lý, Chính phủ liên tục vào cuộc lập tổ công tác cũng như tổ chức nhiều cuộc họp “giải cứu” từ cuối năm 2022 đến nay.

Thêm nhiều vốn giá rẻ

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất. Cụ thể, các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu 1,5-2%.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản. Theo đó, lãi suất cho vay đối với khách hàng cũ là cá nhân và doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân vẫn duy trì ở mức lãi vay 12-14%/năm do giá vốn các ngân hàng huy động cao đầu năm nay vẫn còn. Còn nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) đưa mức lãi suất cho vay với khách hàng cũ về dưới 10%/năm ngay trong tháng 8/2023.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều gói vay ưu đãi mới, quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,5% - 9%/năm cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nguồn vốn mở rộng nhiều lĩnh vực từ sản xuất, nông nghiệp,… đến cả lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, BIDV triển khai chương trình cho vay nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất áp dụng từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng. LPBank cũng triển khai gói 10.000 tỷ đồng lãi suất 7,5% cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết: “Ở Trung Quốc, bất động sản, xây dựng chiếm hơn 14% GDP. Thế nên họ cực kỳ quan tâm đến việc ổn định thị trường bất động sản. Còn ở Việt Nam, bất động sản, xây dựng cũng chiếm đến gần 10% GDP. Thời gian qua, Chính phủ cũng liên tục tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường”.

Theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, qua đó định hướng các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay. Sau những động thái này, trong thời gian gần đây, những tác động của thị trường bất động sản đã được nhìn nhận theo hướng tích cực.

Ông Lực cho hay, chính sách tiền tệ đang chuyển trạng thái từ chặt chẽ, thận trọng sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng. Theo đó, để dòng vốn tín dụng đi được vào đời sống, ngoài câu chuyện lãi suất hạ thì các ngân hàng cần linh hoạt hơn điều kiện cho vay.

Hà Phong
Lượt xem: 5
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...