Khơi thông “liên thông” thị trường trái phiếu
Sau giai đoạn suy yếu vừa qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, khi doanh nghiệp cần một lượng vốn lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kinh tế hồi phục, kênh TPDN sẽ càng trở nên quan trọng hơn. Vì vậy cần có giải pháp gỡ khó các vấn đề liên quan đến thị trường này.
Từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường TPDN bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.
Để gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp, cần gỡ khó cho thị trường bất động sản. |
Tại Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường TPDN hiệu quả, an toàn, bền vững", với góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, ở một chừng mực nào đó thị trường TPDN đang đạt được mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng. Khi thị trường khó khăn, “đóng băng”, chúng ta đã “phá băng” được và thị trường bắt đầu dần dần quay trở lại. Việt Nam cũng đang phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng tính minh bạch, công bố thông tin của thị trường và xử lý vi phạm của các tổ chức tham gia thị trường một cách công khai.
Đối với Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, chính sách về giãn, hoãn, đàm phán với nhà đầu tư là một trong những chính sách hiệu quả. Ông Nguyễn Hoàn Dương cho rằng, Nghị định 08 có 2 phần quan trọng, một phần là chính sách giãn, hoãn nợ; một phần là các chính sách hoãn các quy định nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, điều quan trọng nhất vẫn cần những giải pháp đồng bộ về kinh tế vĩ mô, các thị trường có liên quan như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, bởi mọi vấn đề sẽ bắt nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp phát hành. Nếu doanh nghiệp phát hành tốt lên thì các vấn đề sẽ được giải tỏa. Nhiều hội nghị cũng đã đánh giá, một trong những vướng mắc nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tính pháp lý của các dự án, chiếm khoảng 70 - 80% khó khăn của thị trường bất động sản. Yếu tố chính sách, thủ tục đó mà được giải quyết thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ nhanh chóng kết thúc được các dự án, đưa sản phẩm ra thị trường bán, thu tiền về và sẽ giải tỏa được tất cả các nghĩa vụ nợ với ngân hàng, nợ TPDN.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính Nguyễn Hoàng Dương: “Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý I/2023 hầu như không có đợt phát hành nào nào, từ quý II/2023 trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11/2023, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220 nghìn tỷ đồng”. |
Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết thêm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu và trong năm 2023, cũng như đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những giải pháp để điều hành thị trường. Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào những chỉ đạo trong Công điện 1177/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để triển khai các giải pháp cụ thể. Với tất cả những hành động như vậy, ông Dương tin tưởng thị trường TPDN sẽ dần dần lấy lại đà hồi phục, đồng thời tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong việc phát triển thị trường.
Để phát triển hơn nữa thị trường TPDN trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc cho cả các cơ quan chức năng, các bên tham gia thị trường và nhà đầu tư từ những sự việc xảy ra vừa qua. Trước tiên là cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách. “Hiện nay Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới chúng ta sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhưng cần có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Ông Cấn Văn Lực cũng gợi ý, giải pháp tiếp theo là đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường TPDN. Hiện nay cơ bản chỉ có mỗi TPDN, còn trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội thì chưa thấy. Cần nhân cơ hội này thúc đẩy những sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu; đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt năng lực, công cụ cho đội ngũ này.
Theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, để bảo đảm an toàn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường TPDN thì cần hành động của tất cả các bên chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan Nhà nước, của Bộ Tài chính. Vì vậy phải hành động đồng bộ, thống nhất, toàn diện về mặt thể chế. Bên cạnh đó, không thể thiếu hành động của tổ chức phát hành và đơn vị trung gian, vì lợi ích của chính các tổ chức phát hành. Một số vi phạm vừa qua cũng là cơ hội để các tổ chức phát hành có uy tín, chất lượng có thể vươn lên, bứt phá hoặc tạo ra niềm tin riêng của mình. Ngoài ra, không thể thiếu sự tham gia, hành động của chính những trái chủ.