Khơi thông thị trường trái phiếu
Ngày 5/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký ban hành.
Có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác
Theo đó, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm: “Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu”.
Ngoài nội dung quy định như trên, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Việc đàm phán thanh toán này theo các nguyên tắc: Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm
Về kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành, quy định hiện hành nêu rõ doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Tuy nhiên, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định.
Cụ thể, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nêu rõ: Việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc, trong đó có việc trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Nghị định 08/2023/NĐ-CP cũng nêu rõ, ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023: Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Theo Nghị định, các đợt chào bán trái phiếu đã gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán cho Sở giao dịch chứng khoán trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu thì tiếp tục thực hiện theo quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành theo quy định hiện hành.
Nhà đầu tư nói gì?
Đánh giá về tác động của những quy định mới trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings đưa ra một vài nhận định.
Thứ nhất, về quy định thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác, ví dụ tài sản là bất động sản nếu được nhà đầu tư chấp nhận. Thực tế, phương án này đã được một số chủ đầu tư thực hiện trước đó. Song quy định này cũng mang tính chất hợp thức hoá và làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp được đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm. Đây cũng là giải pháp tốt, song chỉ thực sự phát huy hiệu quả tối đa khi có một quy định chuyên ngành rõ ràng.
Theo đó, chuyển nợ xấu về tương lai là cách làm hợp lý với ngành ngân hàng đã làm, song với phiếu doanh nghiệp được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân thì có lẽ cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát. Điều này tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó dài hơn mà lại vẫn không thu được gì.
Thứ ba, tạm ngưng định nghĩa nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và ngưng yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023.
Trao đổi với báo Lao động Thủ đô, luật sư Nguyễn Ngọc Quỳnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các nội dung điều chỉnh của Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu được mặc nhiên không bị trái chủ ráo riết đòi nợ hoặc sẽ không có cơ sở để tranh chấp. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo mà thị trường cần là Chính phủ có những chính sách liên quan đến việc cải thiện dòng tiền cho thị trường bất động sản. Bởi, nếu thị trường bất động sản tiếp tục “rối” vì vướng vòng lao lý, thiếu thanh khoản thì các doanh nghiệp bất động sản rất khó tạo ra dòng tiền để giải quyết các khoản nợ chứ không riêng gì trái phiếu.
Hà Phong