• :
  • :

Kinh tế ban đêm “mỏ vàng” của Quảng Ninh. Bài 1: Xu hướng phát triển tất yếu

Kinh tế ban đêm đang dần trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tăng thu nhập và đóng góp vào ngân sách.

Động lực bứt phá cho nền kinh tế

Trên thế giới, kinh tế ban đêm từ lâu đã được coi là chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, điển hình như tại Australia nền kinh tế ban đêm hiện là động lực chính của quá trình tăng trưởng, tạo ra hơn 1,1 triệu việc làm và đóng góp 134 tỷ USD, chiếm 4% GDP (năm 2018).

Còn riêng ở Mỹ, việc phát triển những “thành phố không bao giờ ngủ” đã trở thành một trong những chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn. Ở khu vực châu Á, kinh tế ban đêm đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… Trong đó Trung Quốc là một điển hình. Theo tính toán, đến cuối năm 2020, quy mô thị trường kinh tế đêm tại Trung Quốc ước đạt 2.400 tỷ USD, chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ mua sắm, giải trí trực tuyến, nội dung số.

Đầu năm 2019, Bắc Kinh so với các thành phố ở phía Nam và phía Đông của Trung Quốc là nơi có ít địa điểm mua sắm, giải trí vào ban đêm vì đa phần dừng hoạt động sau 22 giờ. Nhưng chỉ sau một thời gian, Bắc Kinh đã đi đầu trong việc “thắp sáng” kinh tế đêm, nhờ vào nhiều biện pháp như tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh.

Kinh tế ban đêm “mỏ vàng” của Quảng Ninh. Bài 1: Xu hướng phát triển tất yếu
Quảng Ninh là điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam

Kinh tế ban đêm không chỉ tạo sự bứt phá cho kinh tế mà còn là cú huých rất lớn cho sự phát triển của thị trường như: Âm nhạc, tổ chức sự kiện, lễ hội đường phố và các loại hình giải trí, truyền thông khác; giúp các quốc gia trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.

So với thế giới, kinh tế ban đêm tại Việt Nam phát triển muộn hơn nhưng đã nhanh chóng tạo được sức hút mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tại một số tỉnh thành phố, hoạt động kinh tế ban đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân và hình thành những địa điểm khó thể bỏ qua của khách du lịch.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng đánh giá, du lịch Việt Nam thu hút lượng khách lớn nhưng số tiền chi tiêu của du khách còn rất thấp so với nhiều nước. Vì vậy muốn phát triển du lịch thì những trung tâm du lịch cần phát huy kinh tế ban đêm. Một số nơi như Đà Nẵng, Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh nên thí điểm kinh tế ban đêm. Từ đó sẽ thấy kinh tế ban đêm đem lại lợi ích gì, có thách thức gì để tìm cách quản lý tốt hơn, cũng như có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của kinh tế đêm, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm bởi sở hữu nền chính trị ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc, giới trẻ đông, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu và hoạt động du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt đã thu hút mạnh mẽ lượng khách du lịch quốc tế.

Vì thế, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã tạo một hành lang pháp lý cơ bản để các địa phương triển khai các hoạt động kinh tế ban đêm, góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Đề án kỳ vọng mang lại thêm nhiều nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế của các địa phương; giảm tỷ lệ thất nghiệp, gia tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho cư dân, thu hút khách du lịch, quảng bá bản sắc văn hóa địa phương”- ông Khánh nhấn mạnh.

Kinh tế ban đêm “mỏ vàng” của Quảng Ninh. Bài 1: Xu hướng phát triển tất yếu
Quảng Ninh hội tụ nhiều tiềm năng để "thắp sáng" kinh tế ban đêm

Lợi thế "thắp sáng" kinh tế ban đêm của Quảng Ninh

Theo chứng minh từ một số quốc gia, kinh tế ban đêm rất phù hợp với các trung tâm du lịch, nơi có lượng du khách đông, đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có múi giờ khác nhau như tại Quảng Ninh.

Là một trong các trọng điểm du lịch Viêt Nam, giai đoạn từ 2016-2020, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 53 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 101.302 tỷ đồng, nộp ngân sách 11.617 tỷ đồng. Trong đó, các thị trường khách quốc tế trọng điểm lưu trú tại Quảng Ninh tăng mạnh so với năm 2015: Trung Quốc tăng 80%, Mỹ tăng 25%, Anh tăng 36%, Tây Ban Nha tăng 40%... Thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt 2,74 ngày.

Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2015 lên 41,2% năm 2020. Tính riêng 10 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 3,55 lần; doanh thu du lịch tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Sau đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đang phấn đấu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm 2022.

Kinh tế ban đêm “mỏ vàng” của Quảng Ninh. Bài 1: Xu hướng phát triển tất yếu
Quảng Ninh đang phấn đấu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm 2022

Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chất lượng các dịch vụ không ngừng được nâng cao cùng với các cơ chế chính sách cải thiện đầu tư kinh doanh hiệu quả hiện đại, nhờ đó, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu cung cấp dịch vụ sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn. Toàn tỉnh có 1 khu du lịch quốc gia; 5 khu du lịch cấp tỉnh; 91 điểm du lịch đã được công nhận.

Cơ sở hạ tầng du lịch với hệ thống giao thông đồng bộ, tạo chuỗi liên kết đường bộ - đường không - đường thủy hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu biển chuyên biệt phục vụ du lịch duy nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện nay…. Hiện Quảng Ninh có trên 2.000 cơ sở lưu trú du lịch trên bờ và tàu thủy lưu trú với tổng số khoảng 36.000 phòng nghỉ.

Với các lợi thế kể trên, để phát triển, khai thác, phát huy các lợi thế của kinh tế ban đêm, ngay sau khi đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác để xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh một cách bài bản.

Theo nội dung Đề án, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm được lựa chọn tại một số khu vực không gần khu dân cư, đảm bảo riêng biệt, tạo thành tổ hợp giải trí ban đêm khép kín, như Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, Khu du lịch danh thắng Yên Tử.

Cụ thể, Đề án được xây dựng dựa trên 4 lĩnh vực gồm: Văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện...); dịch vụ ăn uống (nhà hàng, khu ẩm thực, quán bar...); dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm...); dịch vụ du lịch (tham quan các điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc...). Thời gian diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau đối với các khu vực được áp dụng thí điểm, sau đó sẽ đẩy nhanh hướng tới nền kinh tế 24 giờ đối với các thành phố, đô thị có tiềm năng...

Kinh tế ban đêm “mỏ vàng” của Quảng Ninh. Bài 1: Xu hướng phát triển tất yếu
Quảng Ninh đang quyết tâm phát triển kinh tế ban đêm

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn Quảng Ninh đã diễn ra các hoạt động dịch vụ du lịch về đêm, có điều do chưa được quy hoạch bài bản, tổng thể nên tính chuyên nghiệp trong hoạt động này chưa cao, chưa phát huy được các tiềm năng, lợi thế về kinh tế đêm. “Chính vì vậy, việc thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch dịch vụ tại Quảng Ninh là rất cần thiết", ông Thủy khẳng định.

Lãnh đạo ngành du lịch Quảng Ninh nhấn mạnh, việc triển khai thí điểm kinh tế ban đêm trên địa bàn là phù hợp với nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo thêm động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội; là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khắc phục những hạn chế về kinh tế địa phương, vừa mang tính chiến lược lâu dài trong phát triển du lịch, dịch vụ nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Phát triển kinh tế ban đêm tại Quảng Ninh, nhất là tại các trung tâm du lịch lớn như TP. Hạ Long sẽ là xu thế tất yếu; đồng thời kỳ vọng sẽ đảm bảo mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Lượt xem: 65
Tác giả: Tiến Dũng - Hoa Quỳnh