Kinh tế TP.HCM tiếp tục đà phục phồi trong 5 tháng đầu năm 2022
Trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Ngày 2/6, Uỷ ban nhân dân TP.HCM tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2022.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đào Minh Chánh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP.HCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cụ thể tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 209.824,523 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đào Minh Chánh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC |
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 8,97 triệu lượt, tăng 24,9% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 262.090 lượt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 tăng nhẹ 0,84% so với tháng trước nhưng tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Toàn cảnh cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022. Ảnh: TTBC |
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân TP.HCM cũng nhìn nhận bên cạnh nhiều thuận lợi thì TP.HCM cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức, những tác động đan xen nhiều mặt. Trong đó, thị trường chứng khoán suy giảm ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư; nguy cơ lạm phát có biểu hiện gia tăng do diễn biến tình hình thế giới; diễn biến dịch sốt xuất huyết có chiều hướng phức tạp.
Cùng với đó, một số ngành có chỉ số lao động giảm như: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 36,3%; sản xuất đồ uống giảm 22,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 21,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,6%...