Làm sao để tiêu được vốn đầu tư công?
Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm, Bộ Tài chính từng có đề xuất "có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án không thực hiện hết kế hoạch vốn đã được giao". Trước đây, khó khăn nhất trong đầu tư là không có tiền để làm, còn hiện nay, có tiền nhưng lại không tiêu được tiền.
Tỷ lệ giải ngân đáng lo ngại
Báo cáo của Bộ Tài chính về "tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 và tình hình thanh toán vốn đầu tư công ước 1 tháng kế hoạch năm 2023" cho thấy tỷ lệ ước giải ngân 1 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 1,72% kế hoạch.
Tính đến thời điểm chốt sổ, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ và chưa đạt kỳ vọng. Năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công sẽ đối mặt áp lực khi phải giải ngân số vốn kỷ lục cùng kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng trước đây, khó khăn nhất trong đầu tư là không có tiền để làm. Còn hiện nay, chúng ta đã lo được tiền nhưng lại không triển khai được.
(Ảnh minh họa: Cao Tiến) |
Lý giải tỷ lệ giải ngân tháng 1 thấp hơn cùng kỳ, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng đầu năm, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có 27/52 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 80%, đáng nói trong đó có 8 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Điểm tên các bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ rõ khoản Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% các ngân hàng thương mại chỉ vỏn vẹn đạt khoảng 96 tỷ/16 nghìn tỷ đồng, tương ứng 0,6%.
Cùng với đó, Ủy ban dân tộc giải ngân đạt 2,41%; Viện Khoa học công nghệ Việt Nam đạt 13,67%; Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 38,48%; tỉnh Hòa Bình giải ngân thấp dưới 50%, chỉ đạt 48,26% so với tổng kế hoạch.
Giới phân tích cho rằng năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kỷ lục, lên đến trên 756 nghìn tỷ đồng, chưa kể kế hoạch vốn năm trước chuyển sang, sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn cho việc giải ngân vốn năm nay.
Nhiều vấn đề "cản" tiến độ giải ngân
“Để gỡ nút thắt này, chúng tôi đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Với vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng được các đơn vị phản ánh, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quy định là cấp tỉnh phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù.
Do vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững.
Ghi nhận tại Hội nghị cho thấy nổi lên nhiều nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định và văn bản pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công. Cùng với đó, một số vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn; chuyển đổi số trong đầu tư công còn hạn chế.
Đặc biệt, một số dự án có giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu; tăng chi phí doanh nghiệp; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải.
Tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công còn chưa nghiêm.
Gỡ được nút thắt của các vấn đề này, thì mới "tiêu" được tiền vốn đầu tư công.
Bảo Thoa