• :
  • :

Mạnh tay xử lý doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Khánh Hòa

Tình trạng nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều doanh nghiệp ở Khánh Hòa khiến cho hàng nghìn người lao động lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.

Mạnh tay xử lý doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Khánh Hòa

BHXH tỉnh Khánh Hòa tổ chức đối thoại giữa cơ quan BHXH và chủ sử dụng lao động. Ảnh: Hữu Long

Người lao động kêu cứu

Bà Lê Thị Hồng Minh (trú TP Nha Trang, Khánh Hòa) đại diện cho hơn 20 người lao động làm việc tại công Công ty Cổ phần Sông Đà - Nha Trang (Công ty Sông Đà - Nha Trang) gửi đơn cầu cứu đến Báo Lao Động về việc doanh nghiệp này nhiều năm liền nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động.

Bà Minh cho biết, đa phần người lao động bắt đầu ký kết hợp đồng lao động với Công ty Sông Đà - Nha Trang từ năm 2016 đến nay.

Quá trình hoạt động, lãnh đạo doanh nghiệp này thường xuyên chi trả lương chậm so với thời gian được quy định tại Thỏa ước lao động tập thể; chậm thanh toán tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Đến nay, Công ty Sông Đà - Nha Trang còn nợ người lao động hơn 861 triệu đồng tiền lương, tương đương 210 tháng lương tối thiểu; tiền BHXH, BHYT, BHTN chưa nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội hơn 590 triệu đồng - tương ứng với thời gian 42 tháng (từ tháng 11.2019 đến nay).

“Việc Công ty Sông Đà - Nha Trang nợ lương, nợ bảo hiểm đẩy người lao động vào thế khó khăn tứ bề. Thời gian qua người lao động không được hưởng các chính sách, chế độ khi ốm đau, thai sản; đặc biệt là không được nhận các chế độ thất nghiệp khi doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động” - bà Lê Thị Hồng Minh bức xúc.

Trường hợp người lao động tại Công ty Sông Đà - Nha Trang chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nợ lương, bảo hiểm xã hội kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Theo thống kê của BHXH tỉnh Khánh Hòa, hiện nay trên địa bàn có nhiều DN đọng số nợ lớn như Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang; Công ty TNHH MTV Đóng tu Cam Ranh; Công ty CP Xây dựng Cấp thoát nước số 12; Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền; Công ty TNHH Xây dựng Trường An...

Cần nhiều giải pháp mạnh tay

Đến cuối năm 2023, tổng nợ BHXH, BHTN, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là hơn 313 tỉ đồng. Có 508 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là 99,2 tỉ đồng.

Để giảm thiểu tình trạng này, cơ quan bảo hiểm cho rằng, pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để người lao động không phải chọn rút BHXH một lần.

Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc Quản lý, điều hành BHXH tỉnh Khánh Hòa - nhận định rằng, trước tình hình nợ BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao, cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và một số nhóm giải pháp để thu nợ trong những tháng cuối năm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành các đơn vị nợ BHXH.

Đối với các đơn vị có số nợ lớn, tiếp tục nợ, thiếu phối hợp với cơ quan BHXH để trả nợ, ông Lê Hùng Chính cho biết, hiện ngành BHXH đang phối hợp Công an tỉnh tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT; phối hợp với các ngân hàng thực hiện việc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để đóng nợ BHXH.

Ngoài ra, BHXH tỉnh sẽ tổ chức đối thoại giữa cơ quan BHXH và chủ sử dụng lao động; người lao động để giải quyết những vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT; vận động đơn vị ký cam kết trả nợ BHXH theo thời gian cụ thể.