Nhà đầu tư vật lộn trong kỷ nguyên suy thoái mới
Lạm phát đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, và nhiều khả năng sẽ kích thích một cuộc suy thoái mới xảy ra. Và các nhà đầu tư - những người đang “lãnh đủ” vì lãi suất ngân hàng cao, vẫn đang loay hoay tìm lối thoát cho mình trước khi bão tố ập đến.
Khi lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế
Sự nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện để lạm phát tăng cao tại nhiều nước trên thế giới. Một năm trước, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều lãnh ngân hàng trung ương khác đã trấn an người dân rằng, giá cả tăng cao chỉ là nhất thời. Nhưng ngày 30/10/2021, tại một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Powell buộc phải thừa nhận rằng mình đã sai. Mức lạm phát ở thời điểm đó là 6,8%, cao hơn nhiều với con số 2% mà FED dự kiến.
Theo nhiều nhà đầu tư, lạm phát khiến tình hình kinh doanh của họ gặp rất nhiều khó khăn. “Lợi nhuận của chúng tôi đang ở mức thấp trong thời gian dài”, Nick Moakes, Giám đốc đầu tư của Wellcome Trust - một trong những quỹ tài trợ lớn nhất của Anh, có trị giá 38,2 tỷ bảng, cho biết, “lợi nhuận sau mỗi đợt lạm phát từ năm 2020 đến nay của chúng tôi chỉ đạt trung bình 1% - con số không khả quan chút nào.”
Và ông Powell cũng không thể ngờ rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine lại nổ ra, khiến lạm phát ngày càng diễn biến trầm trọng. Trái phiếu chính phủ dài hạn của Mỹ có mức giảm lớn nhất kể từ năm 1788. Sự kết hợp giữa trái phiếu và cổ phiếu có hiệu quả tồi tệ nhất kể từ năm 1932. Ở thời điểm chỉ số S&P 500 chạm đáy trong năm nay, vốn hóa thị trường của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ đã giảm 11 nghìn tỷ USD - tương đương toàn bộ sản lượng kinh tế hàng năm của Đức, Nhật Bản và Canada cộng lại. Và chỉ riêng phần sụt giảm của cổ phiếu công nghệ đã bằng với sản lượng kinh tế của Pháp hoặc Anh.
Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: Reuters) |
“Đối với các nhà đầu tư dài hạn, đây là một năm cực kỳ bức bối. Trong số 25 loại tài sản mà chúng tôi đề cập, chỉ có một loại hàng hóa tích cực”, Emiel van den Heiligenberg, trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại Legal & General Investment Management cho biết.
Không chỉ vậy, nếu giá cả tiếp tục tăng cao, người lao động sẽ ngày càng đòi hỏi mức lương cao hơn, khiến doanh nghiệp phải trả thêm nhiều chi phí. Mặc dù, việc các loại tài sản như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số… giảm giá đã khiến họ tổn thương nặng nề.
Nhiều nhà đầu tư phàn nàn rằng các ngân hàng trung ương đã có thể giải quyết vấn đề sớm hơn. Nhưng hiện giờ, mọi thứ đã không thể thay đổi được nữa. Nhà đầu tư phải học cách thích nghi với tình hình hiện tại, trong khi đó FED liên tục tăng lãi suất và phá vỡ bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ đô la của mình bằng các giao dịch mua trái phiếu để kích thích kinh tế. Theo số liệu của Refinitiv - trang web chuyên cung cấp thống kê về tài chính tại Anh, lãi suất của các ngân hàng trung ương tại Anh, Mỹ, Canada và các nước châu Âu đã tăng vọt lên mức 2-4% trong năm 2022, so với chưa đến 0,3% trong năm 2020. Trong các nền kinh tế lớn, chỉ còn Nhật Bản và Trung Quốc vẫn duy trì lãi suất thấp.
Jay Powell, phải, với các quan chức Fed Lael Brainard và John Williams tại Jackson Hole vào tháng 8. |
Tương lai xám xịt
Chưa ai có thể chắc chắn rằng bức tranh kinh tế sẽ tươi sáng hơn trong năm tới, rằng lạm phát cuối cùng sẽ được kiểm soát. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa kết thúc. Cuộc cách mạng năng lượng xanh trên toàn thế giới vẫn đang ngốn lượng chi phí khổng lồ. Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục bơm tiền để rút một loạt doanh nghiệp sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Các ngân hàng trung ương đang đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng, họ sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn lạm phát tiếp tục tăng, dù điều đó sẽ làm kinh tế suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Theo phân tích của Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia tại Mỹ, thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua các đợt phục hồi lớn trong năm nay vào tháng 3, tháng 6 và tháng 10. Trong đó, đợt phục hồi vào mùa hè kéo dài tới 2 tháng - một trong những đợt phục hồi dài nhất trong khoảng 40 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, chúng không thể kéo dài lâu, vì FED vẫn kiên định với lập trường tăng lãi suất để chống lạm phát. Ông Powell khẳng định FED “phải tiếp tục cho đến khi hoàn thành công việc”.
Peter Oppenheimer, thành viên ban giám đốc của Goldman Sachs dự đoán thị trường sẽ còn tiếp tục đi xuống. Trung tâm nghiên cứu kinh tế TS Lombard của Mỹ cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế Mỹ luôn phải trải qua một cuộc suy thoái trước khi bắt đầu phục hồi. Vì vậy, giông tố mới chỉ đang bắt đầu; một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ vẫn đang chờ đón trước mắt.
Tatjana Puhan, Phó Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản Tobam (Pháp), cho rằng các nhà đầu tư không nên lạc quan quá sớm. “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người ta có thể lạc quan chỉ vì một vài dấu hiệu tích cực nhỏ nhoi. Có vẻ họ chưa nhận ra rằng FED có thể đi bao xa với chiến lược tăng lãi suất của mình. Theo tôi, giá cổ phiếu nói chung sẽ giảm ít nhất 10% nữa trong tương lai.”
Đầu tư vào trái phiếu lên ngôi?
Tuy nhiên, không phải không có hy vọng nào. Thay đổi lớn nhất trong việc tăng lãi suất là lợi suất trái phiếu tăng, khiến người ta không còn muốn đầu tư vào những tài sản nhiều rủi ro. Tại sao phải mạo hiểm “xuống tiền" cho một công ty mới ra đời, chưa có lợi nhuận, khi lợi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ - một trong những loại tài sản an toàn nhất - đã tăng gấp ba?
Xu hướng này được nhiều nhà đầu tư hoan nghênh, và cho là “cứu cánh" của các doanh nghiệp vào thời điểm này. “Bây giờ, tiền có giá. Bạn không thể ném tiền vào các doanh nghiệp không có lãi, những doanh nghiệp rất rủi ro. Chúng ta sẽ có sự phân bổ vốn hợp lý hơn nhiều”, Alexandra Morris, giám đốc đầu tư tại Quỹ Skagen của Na Uy, cho biết.
Alexandra Morris, giám đốc đầu tư tại Quỹ Skagen của Na Uy. (Ảnh: Financial Times) |
John O’Toole, người đứng đầu công ty quản lý đa tài sản lớn nhất châu Âu, cũng thay đổi toàn diện cách nhìn về trái phiếu. “7 năm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ trên khắp thế giới chỉ loanh quanh ở con số 0%. Thậm chí, năm 2020, lợi suất còn ở mức âm, khiến người mua chắc chắn sẽ bị lỗ nếu cố giữ đến ngày đáo hạn. Nhưng giờ đây, chúng ta đã có thể đầu tư trở lại vào trái phiếu.”
Theo Grace Peters, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi của ngân hàng JP Morgan (New York, Mỹ), danh mục đầu tư hỗn hợp cổ điển gồm 60% cổ phiếu, 40% trái phiếu sẽ có triển vọng tốt nhất trong 1 thập kỷ tới. “Đây là thời điểm tốt để xây dựng lại danh mục đầu tư trong dài hạn. Hãy tiếp tục đầu tư”, Grace Peters nói.
Một điểm có lợi khác cho những nhà đầu tư trái phiếu là các ngân hàng trung ương sẽ không thể cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu để hỗ trợ thị trường trong kỷ nguyên lạm phát này.
Xu hướng được dự báo là thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục giảm vào đầu năm 2023 khi suy thoái kinh tế bùng phát, nhưng sau đó sẽ ổn định phần nào hoặc thậm chí phục hồi. Trái phiếu sẽ là giải pháp đầu tư tốt nhất bởi lợi suất cao. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là các nhà đầu tư sẽ tiếp tục vấp phải những giả định không phù hợp trong kỷ nguyên suy thoái mới này.
Việt Khôi