Nhà ở xã hội đình trệ vì thủ tục
TPHCM - Nhiều dự án nhà ở xã hội dù được công bố rầm rộ, nhưng chưa thể triển khai xây dựng do thủ tục pháp lý kéo dài.
Khu đất dự án nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây (MR1 - Quận 7) vẫn "án binh bất động". Ảnh: Hữu Chánh
Hiện nay, quy trình thủ tục liên quan đến đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội đang tương đương với dự án nhà ở thương mại, thậm chí có nhiều bước soát xét kỹ hơn. Điều này, khiến doanh nghiệp vất vả hơn, thời gian triển khai dự án bị kéo dài.
Được động thổ từ tháng 8.2022, dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây (Quận 7) do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu dự kiến sẽ cung cấp 712 căn hộ cho khoảng 1.400 người lao động có thu nhập trung bình với đầy đủ tiện ích. Tuy nhiên, từ sau khi làm lễ động thổ, đến hiện tại, khu đất này đang được tận dụng làm bãi giữ xe, mà chưa có dấu hiệu của một công trình nhà ở sắp triển khai.
Cũng vào giữa năm 2022, Sở Xây dựng TPHCM và chủ đầu tư Công ty Thiên Phát đã tổ chức lễ động thổ, ép cọc thử cho dự án Nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II, quy mô 360 căn hộ, có thể đáp ứng 1.000 chỗ ở cho công nhân, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 408 tỉ đồng. Dự án này sau đó cũng giậm chân tại chỗ khi đến nay vẫn chưa xong thủ tục để xây dựng. Doanh nghiệp này cho biết đã bỏ tiền ra để làm các thủ tục PCCC, sửa đổi thiết kế dự án và xin các thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với đất thuê 50 năm, nhưng đến nay vẫn còn vướng.
Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên của Công ty Lê Thành tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng đã làm lễ động thổ hoành tráng hơn năm tháng trước, nhưng đến nay vẫn vướng thủ tục nên chưa thể xây dựng. Dù rằng chủ đầu tư đã tự mua quỹ đất, có sẵn nguồn vốn, nhưng muốn xây nhà ở xã hội vẫn nhiêu khê trong khâu thủ tục.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), đó là thực thi pháp luật trong việc thực hiện quy trình, thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội, nhất là sự phối hợp thiếu đồng bộ và đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành, quận, huyện, dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội vẫn chậm, mất nhiều thời gian, làm nản lòng doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA vừa có văn bản gửi Ban Chính sách, chiến lược Trung ương kiến nghị thí điểm cho phép UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép chỉ định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong trường hợp sử dụng đất công.
Điều này xuất phát từ việc đối với dự án nhà ở xã hội sử dụng đất công, Luật Nhà ở 2023 quy định phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm nộp hồ sơ đăng ký tham gia thì tốn rất nhiều thời gian, bởi phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thời gian ít nhất là hơn 500 ngày.
Trong khi đó, Luật Nhà ở 2023 chưa cho phép UBND cấp tỉnh được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Quá trình tổ chức đấu thầu kéo dài tốn công sức của các cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư.
Do đó, ông Châu cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nên xây dựng “Nghị quyết thí điểm của Quốc hội” cho phép UBND cấp tỉnh được chỉ định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong trường hợp sử dụng đất công.
Việc chỉ định thầu, đồng nghĩa với việc không phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về đấu thầu.
Đề xuất này nếu được thông qua sẽ rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho cả Nhà nước và nhà đầu tư.