Nhìn lại bức tranh kinh tế những tháng đầu năm: Cơ hội đi liền với thách thức
Năm 2022 đã đi qua với một phần tư của chặng đường cả nước phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới. Công cuộc phục hồi kinh tế - xã hội đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, tình hình chính trị và kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Tất cả đang tạo ra những thách thức rất to lớn, nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều cơ hội mới cho đất nước trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ hơn.
Người lao động ngóng việc
Khi thành phố Hà Nội thực hiện “mở cửa” trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố dần được khôi phục. Cũng từ đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp có phần khởi sắc hơn. Mặc dù vậy, để tìm được một công việc phù hợp là điều không hề dễ dàng đối với người lao động. Rất nhiều lao động vẫn đang phải loay hoay tìm kiếm một công việc, ổn định cuộc sống sau thời gian nghỉ việc hoặc chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mở cửa du lịch thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc khôi phục ngành công nghiệp không khói. Ảnh: Bùi Phương |
Cầm trên tay bộ hồ sơ tới phiên giao dịch việc làm trực tuyến do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, anh Lưu Trung Hiếu (tạm trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) mong muốn sẽ tìm được công việc phù hợp với sở trường của mình là kỹ sư cơ khí hoặc quản lý với mức thu nhập từ 10 tới 15 triệu đồng/ tháng. Vốn tốt nghiệp tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có trong tay bằng cấp, trình độ ngoại ngữ, tin học nhưng do đã lớn tuổi nên việc tìm một công việc mới với anh Hiếu gặp nhiều khó khăn.
Anh Hiếu cho biết, sau khi ra trường, anh đã trải qua nhiều công việc khác nhau, do đó có rất nhiều kinh nghiệm. Cùng với chuyên môn về lĩnh vực kỹ thuật, anh cũng từng có thời gian làm quản lý nhóm bán hàng. Song từ khi xuất hiện dịch Covid-19, các công ty cắt giảm nhân sự nên anh cũng mất việc làm. “Trong thời gian nghỉ dịch, tôi có làm thêm công việc giao hàng, tuy nhiên do dịch diễn biến phức tạp nên tôi nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe. Thời gian ở nhà không có thu nhập nên cuộc sống khá khó khăn. Hiện tại tôi chỉ mong tìm được công việc chính đáng, ổn định thu nhập tốt”- anh Hiếu chia sẻ.
Không chỉ có anh Hiếu, chị Nông Thị Thanh Tú (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đang tìm cho mình một công việc mới sau hơn 1 năm nghỉ việc để chăm con nhỏ. Thay vì tìm việc qua mạng xã hội, chị Tú lựa chọn tới phiên giao dịch việc làm trực tuyến của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để đảm bảo về công việc. Đến với phiên giao dịch việc làm, chị Tú muốn tìm một công việc liên quan tới hành chính nhân sự hoặc liên quan tới logistics với mức lương từ 10 đến 12 triệu và có chế độ phúc lợi tốt cho nhân viên.
Chia sẻ khó khăn trong việc tìm kiếm công việc, chị Tú cho hay: “Hiện tại, để tìm một công việc phù hợp khá khó. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó, chuyên môn của mình trước đây là làm hành chính, ngoại ngữ tiếng Trung là học thêm. So với các bạn được đào tạo bài bản trong môi trường học thuật thì cơ hội việc làm của mình thấp hơn. Ttrong buổi giao dịch việc làm trực tuyến này không tìm được công việc ưng ý thì mình sẽ tiếp tục tìm việc làm qua các kênh khác để sớm đi làm trở lại.”
Cũng giống như anh Hiếu và chị Tú, rất nhiều người lao động đã tìm tới phiên giao dịch việc làm trực tuyến với mong muốn kết nối với các nhà tuyển dụng, từ đó tìm kiếm cơ hội việc làm với mức lương phù hợp. Việc người lao động quay trở lại tìm việc cho thấy tình hình lao động, thị trường việc làm đang dần ấm lên sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hàng chục nghìn cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn
Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26/1/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 và chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp; hỗ trợ người lao động tìm việc làm trong tình hình mới, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố nhằm kết nối việc làm cho người lao động trong tình hình mới, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ sớm để tuyển dụng lao động thời vụ, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó trưởng Phòng tổ chức hành chính Công viên nước Hồ Tây cho biết, Công viên nước Hồ Tây mở cửa theo thời vụ, do đó Công viên cần tuyển lao động thời vụ để đảm bảo công việc chung. Tham dự phiên giao dịch việc làm, Công viên nước Hồ Tây đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng trên 100 nhân sự vào các vị trí như bảo vệ, soát vé, chăm sóc khách hàng, nhân viên môi trường, nhân viên y tế, kỹ thuật, cứu hộ…
“Tùy từng vị trí công việc mà yêu cầu đối với người lao động có sự khác biệt. Ví dụ đối với nhân viên y tế phải tốt nghiệp chuyên ngành y tế; nhân viên kỹ thuật cũng phải tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật. Tuy nhiên với nhân viên môi trường, soát vé thì chỉ cần đủ tuổi lao động và các bạn năng động, chịu khó”- bà Hồng cho hay. Cũng theo Theo bà Hồng, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng, dó đó, cùng với việc tham gia phiên giao dịch việc làm, Công viên đã tham gia tuyển dụng tại nhiều kênh khác để thu hút người lao động tham gia ứng tuyển vào các vị trí làm việc.
Theo ghi nhận, không chỉ có các đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến tuyển lao động để bổ sung các vị trí còn thiếu hụt, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng tham gia tuyển dụng nhằm tìm kiếm nguồn lao động tiến tới mở rộng sản xuất. Bà Vũ Thị Hoài, đại diện Công ty Đồng phục Hải Anh chia sẻ, phát triển lao động là việc làm lâu dài nên công ty phải tiến hành tuyển dụng thêm lao động, từ đó, có thể mở rộng thêm nhà máy trong tương lai.
Ảnh: Bùi Phương |
Tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến, công ty đưa ra chỉ tiêu tuyển 100 công nhân may có tay nghề. Đối với công nhân may có tay nghề công ty không giới hạn về độ tuổi, giới tính. Với học viên may sẽ được đào tạo trong 7 ngày. Trong 7 ngày học viên học việc, công ty sẽ trả cho người lao động 100 nghìn đồng/ngày và nuôi ăn, ở. Đặc biệt, bên cạnh những chính sách hỗ trợ nơi ở, ăn uống cho người lao động, công ty cũng đề ra những chính sách mới có lợi để thu hút người lao động như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp phụ nữ…
Cũng trong tâm thế ngóng người lao động, chị Trần Ngọc Anh, phụ trách Trưởng phòng nhân sự Công ty Cổ phần Tập đoàn Fintech Land cho biết: Công ty mới thành lập từ tháng 12/2021, lĩnh vực công ty đang hoạt động là bất động sản, đến nay công ty đã có 5000 nhân sự. Để đảm bảo phát triển, hiện nay công ty đang tuyển dụng 200 nhân viên kinh doanh, 1000 cộng tác viên, 50 trưởng phòng kinh doanh, 10 giám đốc kinh doanh. Lương cứng của giám đốc kinh doanh là 70 triệu/ tháng cộng doanh số khác dao động từ 100-200 triệu/ tháng.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, ngay từ đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm. Các phiên giao dịch việc làm đã nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp và người lao động.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ sau thời gian nghỉ Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng ngày trên toàn hệ thống (15 đầu điểm sàn giao dịch việc làm) được phân công quản lý. Cùng đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến, ngoài kết nối các điểm Hà Nội, trung tâm còn kết nối với các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…
“Thông qua các hoạt động giao dịch việc làm, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm được nguồn lao động phù hợp, đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị. Bên cạnh đó, đối với người lao động các tỉnh, cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ được mở rộng hơn. Người lao động có thể lựa chọn vị trí việc làm tại các tỉnh để phù hợp với các tiêu chí đặt ra, từ đó ổn định cuộc sống.”- ông Thành chia sẻ.
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục có những giải pháp, tăng cường tổ chức hoạt động định kỳ, lưu động, phiên chuyên đề bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến để hỗ trợ tối đa nhất cho người lao động và doanh nghiệp tham gia thị trường lao động./.