Sóc Sơn: "không có vùng cấm" trong xử lý vi phạm đất đai
Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn có chiều hướng gia tăng, nhất là trong thời điểm toàn thành phố Hà Nội tập trung triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Trước thực tế đó, cả hệ thống chính trị huyện Sóc Sơn đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần "không có vùng cấm" trong xử lý vi phạm.
Lực lượng chức năng tháo dỡ một công trình xây dựng trái phép tại xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đức Duy
Gia tăng vi phạm
Theo Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn huyện phát sinh 258 trường hợp vi phạm đất đai và trật tự xây dựng. Các vi phạm chủ yếu xảy ra trên đất nông nghiệp, đất công ích và có dấu hiệu tăng mạnh trong các tháng 3 và 4 - thời điểm các xã thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính. Vi phạm xảy ra nhiều tại các xã: Xuân Thu (34 trường hợp), Minh Phú (27 trường hợp), Phù Lỗ (26 trường hợp), Xuân Giang (23 trường hợp), Minh Trí (22 trường hợp)...
Đáng chú ý, nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện diễn ra vào ban đêm, ngày nghỉ nhằm né tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.
Theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị huyện Sóc Sơn Ngô Đình Toàn, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm gia tăng là do một bộ phận người dân thiếu hiểu biết pháp luật, đồng thời cố tình lợi dụng kẽ hở trong thời điểm chuyển giao tổ chức bộ máy hành chính...
Là địa phương có số lượng vi phạm phát sinh lớn, xã Tân Minh có 17 trường hợp, chủ yếu là hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Ngoài ra, xã tồn đọng 1 trường hợp vi phạm từ năm 2024 với 2 thửa đất, chưa xử lý dứt điểm. Ngay sau khi UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, UBND xã Tân Minh chủ động thành lập tổ phản ứng nhanh, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh, đồng thời thiết lập hồ sơ trường hợp vi phạm để áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định.
Cụ thể, UBND xã Tân Minh ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 11 trường hợp vi phạm. Sau khi tổ chức tuyên truyền, vận động, có 5 chủ vi phạm tự tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng; 2 trường hợp khác khắc phục khoảng 70% khối lượng công trình vi phạm.
Chủ tịch UBND xã Tân Minh Tống Minh Kiều cho hay, tất cả 17 trường hợp vi phạm phát sinh trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 15-5 đều được xử lý dứt điểm. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện cùng sự vào cuộc nghiêm túc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở...
Trái ngược với nhiều xã đang loay hoay xử lý vi phạm, Đức Hòa được đánh giá là điểm sáng trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng của huyện Sóc Sơn. Từ đầu năm đến nay, xã chỉ để phát sinh 5 trường hợp vi phạm, tất cả đều được xử lý kịp thời.
Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Nguyễn Đức Thành thông tin, xã thành lập tổ công tác chuyên trách, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi vi phạm phát sinh. Việc xử lý nhanh, dứt điểm không chỉ giảm thiệt hại cho người dân mà còn góp phần giữ ổn định tình hình địa phương.
Chỉ đạo xuyên suốt, quy trách nhiệm đến cùng
Trước thực trạng vi phạm diễn biến phức tạp, Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; tổ chức giao ban với 26 xã, thị trấn để phổ biến Chỉ thị số 13-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội và Công điện số 04/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính. Huyện yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để xử lý dứt điểm vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: “UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trực tiếp trước Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện nếu không hoàn thành nhiệm vụ xử lý vi phạm; đồng thời, giao Phòng Nội vụ theo dõi, đánh giá, tham mưu việc điều động, bố trí lại cán bộ ở những địa phương để xảy ra vi phạm kéo dài”.
Không chỉ xử lý về mặt hành chính, huyện Sóc Sơn còn tổ chức duy trì lực lượng trực 100% quân số kể cả ngày nghỉ, dịp lễ; tăng cường công tác tuần tra, nắm bắt địa bàn, phát hiện, xử lý sớm vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị huyện Sóc Sơn Ngô Đình Toàn, đến thời điểm hiện tại, đã có 221/258 trường hợp vi phạm được xử lý, đạt 86%. Các trường hợp còn lại đang được hoàn tất hồ sơ để cưỡng chế.
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng tới người dân. UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn sử dụng tối đa hệ thống truyền thanh cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, đưa tin công khai trường hợp vi phạm điển hình nhằm răn đe và nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Từ thực tế ở Sóc Sơn cho thấy, khi chính quyền các cấp quyết liệt, đồng bộ trong hành động kết hợp với sự liêm chính trong thi hành công vụ và sự đồng lòng từ cơ sở, tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại các địa phương sẽ được đẩy lùi.