Thái Nguyên: Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA để gia tăng xuất khẩu
Hiệp định EVFTA đã và đang mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Doanh nghiệp tăng xuất khẩu nhờ EVFTA
Theo kế hoạch tỉnh Thái Nguyên đề ra năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 35 tỷ USD, tăng 9% so với thực hiện năm 2022, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 765 triệu USD, tăng 10%. Mặc dù kết quả, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 27,1 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ và đạt 77,5% kế hoạch nhưng đây là kết quả có thể chấp nhận được trong bối cảnh tình hình xuất nhập khẩu nói chung gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều mặt hàng có thế mạnh của Thái Nguyên có lợi thế xuất khẩu sang EU |
Điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh là một số ngành hàng đã duy trì được kim ngạch xuất khẩu khả quan. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO (THAGACO) thời gian qua đã tạo thị trường xuất khẩu ổn định sang Mỹ và châu Âu. Đây là những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm rất cao. Tuy nhiên, nhờ những hiệu ứng từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA, xuất khẩu dệt may của THAGACO sang châu Âu đã có sự tăng trưởng khá.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Công ty THAGACO đã chủ động nhập khẩu các thiết bị, công nghệ may tự động hiện đại nhất hiện nay của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất đã giảm được rất nhiều nhân công mà độ chính xác cũng như hiệu suất công việc rất cao. Đơn cử như công đoạn trà vải bình thường phải mất 4-5 nhân công, song với công nghệ mới chỉ cần 2 nhân công.
Trong năm 2023, Công ty THAGACO có bước tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp 11 tháng năm 2023 đạt trên 23 triệu USD, dự ước cả năm đạt khoảng 26 triệu USD. Công ty tạo việc làm cho 2.200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7,6-8 triệu đồng/người/tháng.
Một ngành hàng có thế mạnh khác của Thái Nguyên là chè và các sản phẩm từ trà. Hiệp định EVFTA đã mang lại cơ hội cho ngành chè nói chung và sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng khi thuế nhập khẩu chè vào các nước EU về 0% (trước đó khoảng 20%). Nhận biết được điều này, năm 2020, Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc với Công ty Rank Trade - Ba Lan đã ký kết giao thương ngay sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chè sang Ba Lan và các nước EU.
Đối với lĩnh vực nông sản, EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững, an sinh động vật. Do đó, để được bạn hàng Ba Lan chấp nhận, ngay từ khi thành lập (tháng 4/2018) HTX Chè an toàn Khe Cốc đã hướng dẫn các thành viên trồng chè hữu cơ: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất; sử dụng chế phẩm sinh học, phân vi sinh để bón cho cây chè… Đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới tiêu bằng van xoay, camera giám sát nương chè cảm biến, theo dõi nhiệt độ ánh sáng và đầu tư hệ thống tôn sao chè theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Từ 15ha chè hữu cơ ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã có vùng nguyên liệu ổn định với trên 60ha. Cuối năm 2019, 3 sản phẩm của hợp tác xã gồm: trà túi lọc, bột trà xanh matcha và kẹo dồi trà xanh được ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường EU và duy trì cho đến nay.
Là đơn vị sản xuất, chế biến trà có thương hiệu tại Thái Nguyên, Hợp tác xã Trà Sơn Dung cũng chủ động tận dụng những cơ hội mà Hiệp định EVFTA đem lại. Mặc dù mới được thành lập vào năm 2018, nhưng HTX này đã xây dựng được thương hiệu với sản phẩm chè an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và UTZ Certified. Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nghìn tấn chè tươi, cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, Nga và các nước Đông Âu từ lâu đã trở thành thị trường tiêu thụ số lượng lớn các loại chè thượng phẩm của hợp tác xã. Để mở rộng quy mô xuất khẩu tới các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu, hợp tác xã tăng cường đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị công nghệ và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.
Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả EVFTA
Nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường; nâng cao khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới…, Kế hoạch Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Kế hoạch) do UBND tỉnh đã được ban hành tháng 9/2023.
Theo Kế hoạch, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các mục tiêu trên là thực thi hiệu quả các FTA, trong đó có EVFTA. Theo đó, kế hoạch nhằm mục tiêu khắc phục sự chồng chéo giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan chủ trì trong việc thực thi các cam kết FTA; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, chương trình hành động phát triển kinh tế có liên quan và tác động đến nhiều sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban hành và UBND các huyện, thành phố; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các biện pháp kỹ thuật của các nước cho các doanh nghiệp trong tỉnh và các cơ quan quản lý liên quan để chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật.
Song song với đó, nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp, thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn tỉnh như Sở Công Thương, các hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Hiệp định thương mại tự do EVFTA nhằm bổ trợ kiến thức, thông tin về hiệp định cho các thành viên.
Tại các hội nghị này, những kiến thức tổng quan về EVFTA, những cơ hội, tiềm năng, thách thức và yêu cầu đối với từng ngành hàng và thành phần kinh tế trước vận hội này; những điều doanh nghiệp cần làm để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức khi muốn hưởng lợi ích từ EVFTA… đã được truyền đạt, phân tích, giải đáp; đồng thời đưa ra những lời khuyên phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp, HTX và ngành nghề thế mạnh của Thái Nguyên.
Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA được thông qua mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thông tin về Hiệp định EVFTA; điều chỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU; cải thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm; nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh...