Tháo gỡ các “điểm nghẽn” để đẩy nhanh giải ngân vốn
Ngày 31/8, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã tổ chức Hội nghị chuyên đề để thảo luận và cho ý kiến về: Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nội dung, chương trình Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Công việc thường xuyên và liên tục
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực chuẩn bị các Báo cáo, Tờ trình và Đề án, đã trình xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để trình ra Hội nghị Ban Chấp hành đảng bộ ngày hôm nay.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đối với Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, đây là nội dung rất hệ trọng và bức thiết trong bối cảnh của Thành phố hiện nay; có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói riêng tại các cấp chính quyền của Thành phố, đặc biệt là tại cấp sở, ngành và cấp quận, huyện.
Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền và tập trung lãnh đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tiếp thu tối đa ý kiến tham gia của các đại biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 8; tập trung rà soát lại toàn bộ các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ, thủ tục hành chính tại các cấp của Thành phố để hoàn thiện Đề án trên tinh thần tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới nếu cấp dưới làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Đề án đã đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách mạnh mẽ hơn, triệt để hơn và thực chất hơn, cụ thể như: Đề xuất phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp Thành phố và cấp huyện, đạt 41,65% thủ tục hành chính cấp Thành phố; đề xuất tiếp tục phân cấp bổ sung đối với 09 nhiệm vụ quản lý nhà nước và tiếp tục ủy quyền đối với 36 nhiệm vụ.
Ngoài ra, tại Đề án, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đề xuất sẽ thực hiện ủy quyền tối đa toàn bộ các thủ tục đầu tư được phép theo quy định cho cấp huyện đối với các dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp Thành phố được đầu tư bằng ngân sách cấp huyện…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ khó, phức tạp, có tính bao quát rộng trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; tính khả thi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực bộ máy cán bộ, nguồn lực về tài chính… nên Thành phố xác định là kết quả bước đầu và công tác rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền là công việc thường xuyên và liên tục của Thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về phân cấp đầu tư xây dựng trường trung học phổ thông; về phân cấp đầu tư hệ thống nước sạch khu vực vùng sâu, vùng xa khu vực nông thôn không thể kết nối được với hệ thống cấp nước tập trung; những khu vực chưa có hệ thống cấp nước và chưa có nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa; về phân cấp đầu tư công trình xử lý nước thải cục bộ và hệ thống thu gom nước thải trên địa bàn; về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C; về phân cấp quản lý đối với lĩnh vực bến bãi đỗ xe; quản lý về đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường do cấp huyện đầu tư…
Đồng thời, tiếp tục trao đổi để có thể đề xuất thêm các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cũng như các thủ tục hành chính có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương trên tinh thần cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn, thuận lợi và kịp thời hơn thì giao cho cấp đó thực hiện, nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của cấp Thành phố; định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của cấp Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố mới đạt tỷ lệ 27,1% kế hoạch.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, thực trạng hiện nay cho thấy, một số dự án đã được bố trí vốn nhưng do nhiều nguyên nhân, không đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch; song, cũng có một số dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ hoặc đã đủ thủ tục, điều kiện để bố trí vốn khởi công.
Ngoài ra, đến nay, Thành phố vẫn còn một số nguồn vốn với tổng số tiền khoảng 1.728,7 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết cũng đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân; trong đó, có nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là các chương trình rất quan trọng của Thành phố.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Vì vậy, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị, nhất là các đồng chí Bí thư cấp ủy với thực tiễn từ cơ sở, tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân cụ thể, nhất là các nguyên nhân chủ quan.
Đồng thời, cần thảo luận, bàn kỹ và đề xuất các giải pháp rất cụ thể, nhất là các giải pháp có tính căn cơ, có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành của Thành phố; trong đó, cũng cần tính đến giải pháp xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả Thành phố.
“Cần thảo luận, cho ý kiến kỹ về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư và đảm bảo tỷ lệ giải ngân cuối năm 2022 phải đạt tối thiểu 90%, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Hoàng Phúc