Thúc đẩy thị trường tài chính xanh
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.
Phát triển các nguồn tín dụng xanh
Trong đó, việc thúc đẩy thị trường tài chính xanh, xây dựng Danh mục phân loại xanh được coi là một trong những mục tiêu quan trọng.
Trong thập niên gần đây, các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân
hàng Phát triển châu Á (ADB)… rất quan tâm phát triển các nguồn tín dụng xanh để cho các dự án “xanh” vay, vì hoạt động tín dụng này sẽ đạt được mục tiêu kép là bảo vệ môi trường và giảm rủi ro khi cho vay (do dự án ít rủi về môi trường).
Trao đổi với Lao Động, TS Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) - cho biết, đến nay, tín dụng xanh (TDX) và trái phiếu xanh (TPX) trên toàn cầu đã trở thành hai nguồn tài chính xanh lớn nhất, có vai trò quyết định cho đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, Bộ TNMT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh.
Tuy nhiên, các “danh mục dự án xanh” và hướng dẫn trên đều chưa được phân loại theo thống kê ngành kinh tế của Việt Nam, chưa được phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và chưa có các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể theo thông lệ quốc tế, thiếu một danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.
Ông Mai Thanh Dung cho biết: Được sự chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời dựa trên các bài học và kinh nghiệm quốc tế, hiện Bộ TNMT đang tiến hành xây dựng dự thảo Danh mục phân loại xanh hướng tới mục đích phát huy vai trò kiến tạo và điều tiết của Nhà nước để hình thành, vận hành, quản lý thị trường tín dụng xanh theo hướng minh bạch, rõ ràng và hiệu quả.
Đồng thời, danh mục xanh còn để cung cấp bộ công cụ hỗ trợ kỹ thuật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để cấp tín dụng xanh; các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu xanh; các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc định hướng, hoạch định và điều hành các chính sách vĩ mô.
Quy trình xây dựng dự thảo danh mục xanh
Theo đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, việc xây dựng dự thảo danh mục xanh sẽ được phân loại xây dựng theo các phương thức và quy trình. Cụ thể, dự thảo đã xác định 9 nhóm mục tiêu bảo vệ môi trường, lợi ích môi trường chính đối với mỗi loại hình dự án đầu tư để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Trên góc độ khoa học và thực tiễn, mỗi loại hình dự án đầu tư có thể tạo ra nhiều mục tiêu môi trường và đồng thời sẽ mang lại nhiều lợi ích môi trường. Sau đó, dự thảo xác định, phân nhóm và mã ngành kinh tế của loại hình dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh.
Bước cuối cùng sẽ xác định các tiêu chí môi trường đối với mỗi loại hình dự án đầu tư thuộc danh mục. Các tiêu chí sàng lọc, chỉ tiêu của từng tiêu chí được xác định dựa trên các định hướng chiến lược có liên quan của Việt Nam, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được các cấp có thẩm quyền ban hành.
Theo chuyên gia, các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang được dần hoàn thiện với từng loại công cụ cổ phiếu xanh, thị trường Carbon cũng như tín dụng xanh. Môi trường pháp lý hiện nay đang tương đối mở với các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, việc triển khai tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết hơn. Trong đó có việc sớm ban hành các tiêu chí và danh mục để được cấp tín dụng xanh.