• :
  • :

Thực hư tin Indonesia gia nhập BRICS để thúc đẩy phi USD hóa

Indonesia gia nhập BRICS không phải để phi USD hóa mà để mở rộng đối tác thương mại, theo các chuyên gia kinh tế.

Thực hư tin Indonesia gia nhập BRICS để thúc đẩy phi USD hóa

Indonesia là quốc gia thành viên mới nhất của nhóm BRICS. Ảnh: Xinhua

Việc Indonesia trở thành thành viên BRICS không đồng nghĩa với việc nước này ủng hộ chương trình nghị sự phi USD hóa của nhóm, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Permata, ông Josua Pardede, nhận định.

Theo ông, quyết định gia nhập BRICS nhằm hướng nhiều hơn tới việc mở rộng đối tác thương mại và củng cố vị thế của quốc gia Đông Nam Á này trên trường quốc tế.

Ông Josua giải thích, chính phủ Indonesia đang khuyến khích chương trình Giao dịch nội tệ (LCT) để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc từ bỏ hoàn toàn đồng USD không nằm trong chiến lược tổng thể của nước này.

"Chúng tôi tham gia BRICS không phải để ủng hộ việc phi USD hóa của Trung Quốc và Nga mà là để mở rộng các đối tác thương mại. Việc phi USD hóa mà chúng tôi đang khuyến khích là để cung cấp cho giới kinh doanh một phương án để không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào đồng USD" - ông Josua phát biểu trong cuộc thảo luận về biến động tỉ giá hối đoái trong bối cảnh bất ổn toàn cầu tại Ngân hàng Indonesia tỉnh Aceh hồi cuối tuần trước.

Ông Josua cũng bác bỏ suy đoán rằng, Indonesia sẽ tiếp bước Trung Quốc và Nga trong việc tạo ra một loại tiền tệ duy nhất để thay thế đồng USD. Ông lưu ý, trọng tâm của Indonesia là cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho giới kinh doanh, chứ không phải là thay đổi vai trò của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.

"Trung Quốc và Nga có mục tiêu tạo ra một loại tiền tệ đặc biệt để thay thế đồng USD nhưng Indonesia không có ý định đi theo hướng đó" - ông khẳng định.

Do đó, Indonesia vẫn để ngỏ cho nhiều cơ hội đa dạng hóa tiền tệ trong các giao dịch quốc tế, nhưng không rời khỏi hệ thống tài chính toàn cầu vẫn do đồng USD thống trị. Động thái này được coi là chiến lược thực tế hơn trong việc duy trì ổn định kinh tế quốc gia trong bối cảnh biến động địa chính trị toàn cầu.

Việc Indonesia trở thành thành viên BRICS không đồng nghĩa với việc nước này ủng hộ chương trình nghị sự phi USD hóa của nhóm. Ảnh: Xinhua

Việc Indonesia trở thành thành viên BRICS không đồng nghĩa với việc nước này ủng hộ chương trình nghị sự phi USD hóa của nhóm. Ảnh: Xinhua

Indonesia chính thức gia nhập nhóm BRICS tháng 1.2025. Với việc Indonesia gia nhập, BRICS có 10 thành viên chính thức: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ethiopia, Iran và Indonesia.

East Asia Forum chỉ ra, quyết định gia nhập BRICS của Indonesia đánh dấu chương mới trong hoạt động ngoại giao của nước này. Quyết định này chắc chắn đã được đẩy nhanh, với tất cả các nước thành viên BRICS đồng ý kết nạp Indonesia chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Trang này nhận định, quá trình chấp nhận Indonesia trở thành thành viên chính thức của BRICS không chỉ mang tính biểu tượng. Điều này thể hiện sự công nhận vị thế chiến lược của Indonesia với tư cách là bên ủng hộ các nước phương Nam toàn cầu (Global South) và là đối tác quan trọng thúc đẩy khuôn khổ quản trị toàn cầu toàn diện hơn.

Tư cách thành viên BRICS cũng cho phép Indonesia đóng góp vào một hệ thống kinh tế thay thế. BRICS đã nêu bật tầm quan trọng của việc phát triển các giải pháp thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống trong thương mại quốc tế. Với kinh nghiệm thúc đẩy các chương trình giao dịch đồng nội tệ và hệ thống thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới, Indonesia có thể chia sẻ những thông lệ tốt để củng cố cấu trúc tài chính toàn cầu.

Lượt xem: 7
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...