Tổng thống Donald Trump đe dọa bóp nghẹt kinh tế Nga bằng giá dầu thấp: thật hay giả?
Tổng thống Donald Trump kêu gọi OPEC giảm giá dầu để tác động lên kinh tế Nga, nhưng triển vọng thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn chính trị và kinh tế.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của giá dầu đối với khả năng duy trì chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ông cho rằng việc siết chặt doanh thu từ ngành năng lượng có thể khiến Điện Kremlin dễ dàng hơn trong việc nhượng bộ trong đàm phán hòa bình.
Song song với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng để tăng sản lượng khí đốt và dầu, ông Trump đã kêu gọi OPEC - tổ chức dẩn đầu bởi Saudi Arabia - hợp tác để kéo giá dầu xuống. "Hiện giá dầu đang đủ cao để cuộc chiến tiếp diễn. Cần phải giảm giá dầu để kết thúc chiến tranh", ông Trump tuyên bố ngày 24/1.
"Một cách nhanh chóng để dừng cuộc chiến là để OPEC kiếm ít tiền hơn," ông nói thêm. "Vì vậy, OPEC cần nhanh chóng hành động, giảm giá dầu. Khi đó, cuộc chiến sẽ kết thúc ngay lập tức".
Tuy nhiên, trong cuộc họp đầu tiên sau tuyên bố của ông Trump, OPEC+ - nhóm gồm Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu khác như Nga vẫn giữ nguyên kế hoạch cắt giảm sản lượng trong quý này, trước khi dần dần tăng sản lượng từ tháng 4.
Mặc dù áp lực từ ông Trump chưa tạo ra thay đổi tức thời, nhưng tình hình có thể diễn biến khác trong tương lai.
Nga phụ thuộc vào doanh thu dầu khí đến mức nào?
Năng lượng là ngành xuất khẩu chính và là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của Nga.
Lệnh trừng phạt từ phương Tây đã khiến xuất khẩu khí đốt của Nga gặp trở ngại do tắc nghẽn đường ống, khiến Moskva khó thay thế lượng khí đốt từng cung cấp cho châu Âu bằng xuất khẩu sang các thị trường khác, chủ yếu là Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga phần lớn được vận chuyển bằng đường biển vẫn ổn định và chiếm hơn 60% tổng lượng năng lượng xuất khẩu.
Điện Kremlin đã điều hướng xuất khẩu dầu từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng tuyến đường này tốn kém hơn do quãng đường vận chuyển dài hơn và chi phí duy trì đội tàu "bóng tối" nhằm né tránh lệnh trừng phạt.
Chiến lược của phương Tây hiện tập trung vào việc làm tăng chi phí xuất khẩu của Nga và giảm lợi nhuận, thay vì chặn hoàn toàn nguồn cung. Khác với Iran, Nga vẫn có thể bán dầu ra thị trường quốc tế trong một số điều kiện nhất định.
Triển vọng giá dầu năm 2025
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), giá dầu Brent dự kiến trung bình ở mức 74 USD/thùng vào năm 2025, giảm từ 81 USD/thùng năm 2024.
Chính phủ Nga kỳ vọng giá dầu trung bình đạt 69,7 USD/thùng vào năm 2025, mức vẫn đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu giá dầu giảm mạnh, ngân sách Nga sẽ chịu tác động lớn. Cụ thể, cứ mỗi 10 USD/thùng giảm, Nga mất khoảng 17 tỷ USD doanh thu, tương đương 4% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023.
Liệu Nga có thể bị đánh bại trên thị trường dầu mỏ?
Theo các chuyên gia, Mỹ khó có thể tăng mạnh sản lượng dầu trong ngắn hạn. Trong khi đó, Saudi Arabia - thành viên quan trọng nhất của OPEC có thể nhanh chóng bổ sung hơn 2 triệu thùng dầu/ngày để điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, việc OPEC có muốn hỗ trợ Mỹ hạ giá dầu hay không là một câu chuyện khác. Saudi Arabia cần giá dầu khoảng 90 USD/thùng để cân bằng ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng đến quyết định của OPEC. Các nước Vùng Vịnh không muốn tạo tiền lệ cho việc một cường quốc dầu mỏ như Nga bị ép bán dầu giá rẻ theo điều kiện phương Tây, bởi điều này có thể mở đường cho Mỹ áp đặt cơ chế tương tự đối với họ trong tương lai.
Tóm lại, dù ông Trump nỗ lực thúc đẩy chiến lược giảm giá dầu nhằm siết chặt nền kinh tế Nga, nhưng triển vọng thực hiện vẫn còn nhiều trở ngại, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.
Dũng Phan (Theo The Moscow Times)