TP. Hồ Chí Minh: Thu hút kiều hối gấp 3 lần vốn FDI
Năm 2023, thành phố thu hút 9 tỷ USD kiều hối, gấp gần 3 lần vốn FDI của thành phố (3,4 tỷ USD), tăng 35% so với năm ngoái.
Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đưa ra tại phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ hội nghị ngoại giao 32.
Theo ông Võ Văn Hoan, thành phố hiện là nơi duy nhất ở Việt Nam được ghi nhận như một trung tâm tài chính thứ cấp kể từ tháng 3/2020. TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn 95% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 64,8% GDP cả nước.
Năm 2023, thành phố thu hút 9 tỷ USD kiều hối, gấp gần 3 lần vốn FDI của thành phố (3,4 tỷ USD), tăng 35% so với năm ngoái. Kết quả này một phần đến từ hoạt động đối ngoại khi tập trung vào xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư cũng như thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 2023, kiều hối đổ về TP. Hồ Chí Minh tăng 35% so với năm trước |
“Những nguồn lực tài chính này, ngoài phục vụ phát triển kinh tế thành phố, còn góp phần tạo nguồn lực, mở rộng, thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh”, ông Hoan nhấn mạnh.
Dự báo năm 2024, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về tăng khoảng 20% so với năm nay, khi thế giới đang kỳ vọng vào sự chuyển mình sau đại dịch, tuy nhiên cũng gặp thách thức với diễn biến phức tạp của chính trị xã hội.
Nói thêm tại Hội nghị, ông Võ Văn Hoan cho biết, tháng 10/2023 Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Điều này không chỉ thể hiện khát vọng của Thành phố, mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ nhằm nỗ lực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về việc "thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế", góp phần thực hiện hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại của Đảng bộ, Chính quyền, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên tinh thần chủ động và sáng tạo, thực chất và chuyên nghiệp, phù hợp với đặc điểm và tình hình Thành phố; tập trung xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc tế về Thành phố thân thiện, năng động, an toàn, là điểm đến hấp dẫn của du khách và nhà đầu tư quốc tế.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy triển khai các cam kết, các dự án chương trình hợp tác của Thành phố và các đối tác quốc tế một cách hiệu quả và thực chất.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu hút và phát huy nguồn lực tri thức, nguồn kiều hối phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành để hình thành khung chính sách vượt trội so với các Trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực ASEAN; hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đảm bảo minh bạch, an toàn cho các nhà đầu tư tài chính và kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đến đầu tư tại Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh.
"Về phần mình, Thành phố cam kết sẵn sàng quỹ đất; sẵn sàng quy hoạch; sẵn sàng hạ tầng; sẵn sàng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các nhà đầu tư", Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều vấn đề khác như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển ngành tài chính và danh tiếng thành phố cũng được các đại biểu khác đề cập.