• :
  • :

Xây cảng 5,5 tỉ USD ở Cần Giờ, tạo đột phá kinh tế biển

Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa trình UBND TPHCM đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tổng vốn gần 5,5 tỉ USD. Dự án siêu cảng này đang được kì vọng tạo đột phá kinh tế biển không chỉ cho TPHCM, vùng Đông Nam Bộ mà cho cả nước.

Xây cảng 5,5 tỉ USD ở Cần Giờ, tạo đột phá kinh tế biển

Cảng Cát Lái tại TPHCM hiện nay là một trong những cảng nhộn nhịp hàng hóa nhất cả nước. Ảnh: Anh Tú

Hội tụ điều kiện cần và đủ

Theo đề án, vị trí dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ).

Ngoài ra, cảng nằm liền kề tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay, có độ sâu khoảng 14 m, đảm bảo tiếp nhận thành công tàu trọng tải đến 232.494 tấn (sức chở 24.000 TEU - tương đương 24.000 container loại 20 feet).

Vị trí đặt cảng này được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines.

Cụ thể, hiện hàng hóa tại các quốc gia này chủ yếu được trung chuyển tại Singapore hay Malaysia. Hàng hóa từ quốc gia trong khu vực trung chuyển tại Cần Giờ, cự li vận chuyển giảm khoảng 30% - 70% so với cự li vận chuyển đến Singapore. Chi phí bốc xếp hàng container tại khu vực Cái Mép - Cần Giờ hiện nay giảm khoảng 54% đối với container xuất nhập khẩu, và giảm khoảng 40% đối với container trung chuyển quốc tế so với Singapore.

Về lượng hàng hóa qua cảng, theo dự báo, tỉ lệ hàng container trung chuyển đạt 28% - 30% tổng khối lượng hàng vận tải container toàn cầu, tương đương 274 - 293 triệu TEU vào 2025. Đặc biệt, gần 60% khối lượng vận tải container toàn cầu qua biển Đông.

Các cảng khu vực Đông Nam Á sẽ chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82 - 88 triệu TEU vào 2025. Công suất các cảng trung chuyển quốc tế Đông Nam Á hiện đạt gần 53,6 triệu TEU. Như vậy, các cảng mới sẽ còn cơ hội "hứng" 28,4 - 34,4 triệu TEU hàng trung chuyển.

Đặc biệt, với cam kết đầu tư từ MSC (hãng tàu container lớn nhất thế giới hiện nay) sẽ đảm bảo hàng hóa cho cảng với nguồn hàng hiện có của hãng tàu này. Dự báo lượng hàng qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến năm 2030 là 4,8 triệu TEU, đến năm 2047 là 16,9 triệu TEU.

Kì vọng tạo đột phá kinh tế biển

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được cho là sẽ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh khu cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Lượng hàng trung chuyển quốc tế tại cảng này rất nhỏ, dưới 5% và chủ yếu từ Campuchia, do chưa có đầu mối trung chuyển quốc tế, độ sâu luồng không đủ tiếp nhận các tàu trên 10.000 TEU, cầu cảng ngắn… trong khi cảng Cần Giờ được xây dựng nhằm phục vụ chính cho hàng trung chuyển.

Cảng Cái Mép - Thị Vải hiện khai thác đạt 90% công suất thiết kế và dự báo còn tiếp tục tăng trưởng.

Vì vậy, việc bổ sung quy hoạch, triển khai phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021-2030 được đánh giá là cần thiết, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, cho rằng, dự án này đang có các điều kiện thuận lợi để triển khai như vị trí dự tính xây dựng nằm trong quy hoạch và nhà đầu tư là hãng tàu biển đứng tốp đầu thế giới, có nhiều kinh nghiệm. Do đó, vấn đề cần bàn hiện nay không phải là có làm cảng Cần Giờ hay không, mà là làm sao triển khai nhanh nhất để không lỡ mất cơ hội.

Theo TS Trần Du Lịch, đảm bảo hiệu quả kinh tế nhưng không ảnh hưởng môi trường, bởi Cần Giờ là "lá phổi xanh" của thành phố. Do đó, Ban điều phối vùng Đông Nam Bộ cần phối hợp ngay từ đầu để triển khai đồng bộ... Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được hoàn thiện, báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng trong tháng 5.2024. Nếu được thông qua, dự án được chia thành 7 giai đoạn thực hiện. Trong đó, giai đoạn đầu dự kiến hoàn thành năm 2027. Giai đoạn cuối sẽ hoàn thành năm 2045.

Về hạ tầng kết nối cảng biển Cần Giờ, giai đoạn từ nay đến 2030, thành phố đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Đồng thời, đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh. Các cầu trên đường Rừng Sác cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Giai đoạn sau năm 2030, thành phố đầu tư xây dựng đường kết nối từ vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với đường Rừng Sác. Xây dựng đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, đoạn từ nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa. Nghiên cứu phát triển, hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ Khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết