• :
  • :

Bang Nam Australia thông qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu

Ngày 1/6, nghị viện bang Nam Australia đã thông qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu, qua đó cùng các chính quyền địa phương và các quốc gia khác trên thế giới tham gia mạnh mẽ vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhằm tái khẳng định sự cấp bách phải giảm lượng khí thải của nền kinh tế và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Khí hậu bang Nam Australia, bà Susan Close, cho biết việc chậm trễ ban hành các quy định liên quan tới khí hậu, cũng như những tranh cãi, bất đồng ý kiến về vấn đề này ở cả cấp bang và liên bang, đã khiến Australia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cản trở các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Báo cáo gần đây nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) xác nhận, kể từ năm 1910, một số khu vực của Australia đã ghi nhận nhiệt độ trung bình tăng 1,4 độ C.

Bộ trưởng Close nêu rõ, các cấp chính quyền cần tập trung hơn nữa vào việc hỗ trợ những dự án và chính sách thân thiện với môi trường, khí hậu; khuyến khích các doanh nghiệp giảm thải carbon và hỗ trợ đầu tư vào cải thiện công nghệ, tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo. ngoài ra, quan chức này khẳng định chính quyền bang Nam Australia sẽ tận dụng lợi thế về nhu cầu toàn cầu đối với năng lượng tái tạo, coi cuộc khủng hoảng khí hậu là một cơ hội tạo việc làm, đặc biệt ở những khu vực có nhiều dự án khai thác và sản xuất năng lượng tái tạo.

Việc đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp là ghi nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu, theo đó một cuộc khủng hoảng thật sự đang đe dọa đời sống của người dân. Thông qua tuyên bố, chính quyền sẽ xây dựng phương án để huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật nhằm đối phó với những hậu quả của cuộc khủng hoảng đó.

Ngày 5/12/2016, chính quyền khu vực Darebin thuộc thành phố Melbourne (bang Victoria) của Australia đã trở thành địa phương đầu tiên trên thế giới ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Chính quyền Darebin cho biết tuyên bố thể hiện cam kết ưu tiên vấn đề biến đổi khí hậu trong hoạt động phát triển chính sách lâu dài của địa phương. Sau Darebin, đến nay đã có 88 chính quyền bang và địa phương của Australia đưa ra tuyên bố tương tự.

Ước tính, trên thế giới có hơn 803 triệu công dân của 26 quốc gia đang sống tại những khu vực có tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Trong đó, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina là những quốc gia đầu tiên đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

PV
Lượt xem: 93
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...