• :
  • :

TP Hồ Chí Minh đang chịu nhiều thách thức trước biến đổi khí hậu

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay, dự báo đến năm 2050 có đến 55% phường (61% diện tích TP) thường xuyên ngập lụt; Trong trường hợp gặp thời tiết xấu thì lên đến 71% diện tích TP.

Vì thế, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các ngành.

TP Hồ Chí Minh thường xuyên ngập lụt do biến đổi khí hậu
TP Hồ Chí Minh thường xuyên ngập lụt do biến đổi khí hậu

Nhiều người hiểu biết chưa đầy đủ về BĐKH

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, có bước chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, việc ứng phó với BĐKH còn bị động, lúng túng. Thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Trong công tác ứng phó BĐKH, hoạt động nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiện tai, thích ứng với BĐKH thực hiện qua nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong khi đó, việc triển khai chương trình, dự án thuộc 10 lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch chưa có sự gắn kết nhiệm vụ.

Đa phần các Sở ngành, đơn vị thực hiện nhiệm vụ riêng; Vai trò địa phương còn bị động, chỉ tham gia công tác tuyên truyền do cấp trên triển khai.

Cũng theo bà Mỹ, đối với hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực có nội dung thực hiện chưa phong phú. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thì gặp khó khăn nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Chương trình di dời các nhà lụp xụp trên kênh rạch trình tự thực hiện các thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư rất phức tạp, kéo dài gồm nhiều giai đoạn.

Trong đó, chỉ 17/59 dự án được phê duyệt dự án bồi thường để triển khai thực hiện công tác tiếp theo để chi trả bồi thường… “Đáng chú ý, trong các kết quả thực hiện mục tiêu ứng phó, chỉ tiêu, thì 100% công chức, viên chức TP có hiểu biết cơ bản về BĐKH, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai chưa đạt”, bà Mỹ nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo bà Mỹ, trong công tác quản lý tài nguyên môi trường, tỷ lệ che phủ rừng, cây xanh phân tán quy đổi trên tổng diện tích đất tự nhiên là 40,3%, kết quả mới đạt 40,77% đề ra. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền thực hiện phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường cũng gặp khó khăn, bao gồm khó tiếp cận dân cư, công tác xử phạt còn hạn chế do một số bất cập về quy định, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa tạo thành thói quen thường xuyên hàng ngày.

Đối với cải thiện môi trường cũng gặp khó khăn trong công tác kêu gọi, huy động nguồn vốn lớn đầu tư các công trình nhà máy xử lý nước thải đô thị. Đặc biệt, vẫn còn một số chủ nguồn thải nước thải công nghiệp với quy mô nhỏ, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định.

Đáng lo ngại, chất lượng nước mặt các kênh rạch tại TP phụ thuộc nhiều yếu tố như do ảnh hưởng nguồn thải ra kênh rạch, sông liên tỉnh, khó đạt được chỉ tiêu 100% nước thải đô thị được thu gom xử lý.

Tương tự, công tác xử lý hạn chế tác động từ chất thải rắn cũng gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi phương tiện thu gom. Dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác, các nhà đầu tư gặp một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý dẫn đến việc triển khai dự án bị kéo dài…

“Trong số các kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ môi trường thì chỉ tiêu 55% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường chưa đạt. Giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt khu vực nội thành so với mực nước năm 2011, đảm bảo nguồn nước mặt khu vực ngoại thành đạt quy chuẩn môi trường cũng chưa đạt…”, bà Mỹ thông tin.

Tăng cường ý thức bảo vệ môi trường

TP Hồ Chí Minh đang chịu áp lực từ gia tăng dân số với gần 9 triệu người hiện nay, và các áp lực từ quá trình đô thị hóa, hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ, giao thông. Hiện TP có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 2 cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng với 4.335 cơ sở công nghiệp.

TP cũng có 121 bệnh viện, hơn 8 triệu phương tiện xe cơ giới gồm ô tô và xe gắn máy. Bên cạnh đó, mỗi ngày TP có khoảng 9.500 tấn chất thải rắn phát sinh. Tình trạng thải bỏ rác bừa bãi; Sụt lún do khai thác nước ngầm và phát triển đô thị; Ngập lụt do mưa triều; Ô nhiễm không khí, nguồn nước sông… cũng đang diễn ra.

Theo đánh giá, trước các áp lực đang diễn ra đã mang đến nhiều thách thức cho TP Hồ Chí Minh. Đó là TP nằm trong danh sách 10 TP bị tác động lớn nhất của BĐKH. Quá trình đô thị hóa nhanh, tăng nhiệt độ, dẫn đến nhiệt độ cao hơn trong trung tâm nội ô đô thị.

Mực nước biển dân cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng lên. Bên cạnh đó, thay đổi lượng mưa dẫn đến nguy cơ ngập lụt trên diện rộng và kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

Đường Võ Văn Ngân sau một cơn mưa bình thường
Đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức sau một cơn mưa bình thường

“Trước tác động của BĐKH, nếu nước biển dâng 100cm thì 17,84% diện tích TP Hồ Chí Minh nguy cơ bị ngập. Dự báo đến năm 2050 lên đến 55% phường (61% diện tích TP) thường xuyên ngập lụt. Trong trường hợp gặp thời tiết xấu thì đến 71% diện tích TP bị ngập lụt. Nhóm quận, huyện có mức tác động cao nhất là huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức và huyện Củ Chi”, bà Mỹ chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 của TP Hồ Chí Minh đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2030 phải đảm bảo 100% công chức, viên chức trên địa bàn TP được phổ biến kiến thức ứng phó BĐKH; 100% các hộ gia đình được tiếp cận thông tin bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH; 90% học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người dân áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.

Nội dung tuyên truyền trọng tâm vào giữ gìn vệ sinh môi trường; Tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; Trồng cây xanh, phát triển mảng xanh; Chấm dứt vấn nạn tiếng ồn khu dân cư; Tiết giảm - tái sử dụng - tái chế và phân loại rác tại nguồn... Trong công tác triển khai, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các ngành với sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp.

Lượt xem: 64
Tác giả: Bảo Anh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...