• :
  • :

TP.HCM: Tìm hướng để những dòng kênh không còn ngập rác

Sau thời gian thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đến nay còn nhiều dòng kênh nằm lẫn trong khu dân cư tồn tại việc xả rác gây ô nhiễm môi trường, khiến nỗ lực cải tạo kênh, rạch của các cấp, ngành thành phố không đạt hiệu quả như mong muốn.

Ô nhiễm trầm trọng

TP.HCM hiện có khoảng 2.000km đường sông, kênh, rạch có vai trò thoát nước và cân bằng hệ sinh thái thành phố. Sau quá trình đô thị hóa trong nhiều năm, dân cư tăng nhanh, nhiều kênh rạch bị “bức tử”, ô nhiễm trầm trọng, chủ yếu do tình trạng xả rác bừa bãi xuống kênh.

Rạch Xuyên Tâm, kéo dài từ quận Bình Thạnh đến quận Gò Vấp là một trong những nơi ô nhiễm nhất thành phố do tập trung đủ các loại rác thải với túi nylon, hộp xốp, xác chết động vật... Dọc con rạch này về hướng cầu dân sinh (nối đường Nguyễn Xuân Ôn sang Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn.

Những ngày giữa tháng 7, đứng trên cầu dân sinh nhìn xuống rạch Xuyên Tâm, dù đeo hai khẩu trang chúng tôi vẫn thấy vẫn mùi hôi nồng nặc vì con rạch đang vào khoảng thời gian nước ròng trơ đáy.

Bà Trần Thị Thanh Ngân, ngụ Phường 15, quận Bình Thạnh, có nhà nằm sát rạch Xuyên Tâm cho biết, cứ mỗi lần rạch cạn nước lộ ra phần đáy là nhà bà phải rào chắn trước cửa để ngăn hàng trăm con chuột mang theo vi khuẩn, dịch bệnh chạy vào nhà. Mùi hôi của đủ loại rác thải nặng đến nỗi dù đóng kín cửa vẫn ngửi thấy, nên dù đã nghỉ hưu nhưng mỗi khi vào mùa nóng bà phải sang nhà bà con ở tạm.

Bà Trần Thị Thanh Ngân chia sẻ, những năm 1990, rạch Xuyên Tâm nước trong vắt, nhìn xuống là thấy đủ các loại cá bơi lội. Từ năm 2000 đến nay, khi người dân chuyển đến ở ngày càng đông rồi lấn chiếm luôn kênh rạch, cảnh sống chung với rác diễn ra thường xuyên. Nhiều lần bà nghe về việc cải tạo rạch cũng như di dời nhà dân dọc tuyến, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Trên thực tế, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được phê duyệt từ năm 2002 với kinh phí 123 tỷ đồng, nhưng suốt gần 20 năm vẫn chưa thể thực hiện được vì dự án liên tục gặp khó khăn, chủ yếu do hạn chế về ngân sách. Bên cạnh đó, theo quy định, hiện các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu (so với các dự án hạ tầng, công ích) nên chưa được quan tâm đúng mức.

Dự án cải tạo kênh Tô Hiệu (còn gọi là kênh Hiệp Tân, chảy qua địa bàn hai quận Tân Phú và Bình Tân) dài khoảng 1,5km, với tổng mức đầu tư 191 tỷ đồng dù có thời gian thi công từ năm 2016-2019 nhưng đến nay dự án đang ngừng thi công do vướng mặt bằng phần đất với một doanh nghiệp.

Ghi nhận tại một đoạn kênh Tô Hiệu dài khoảng 700m chưa được cải tạo có mặt nước đen xì, nổi bọt trắng, dọc hai bờ có nhiều xác động vật đang trong quá trình phân hủy. Dù là ban ngày nhưng tất cả những hộ dân sống trên đoạn kênh này đều đóng kín cửa vì mùi hôi thối.

Chị Trương Thị Diệu Trúc trước đây sống ở quận Tân Phú, gần kênh Tô Hiệu nhưng đã phải bán nhà chuyển sang nơi khác vì không thể chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc của con kênh. Theo chị Trúc, kênh ô nhiễm một phần do ý thức người dân và một số hộ kinh doanh dọc theo kênh thường xuyên xả rác tùy tiện xuống lòng kênh, từ hộp xốp, chai nhựa cho đến xác động vật.

Một tuyến "kênh đen" khác giữa lòng TP.HCM là kênh Hy Vọng - tuyến thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình. Hàng chục năm qua, tuyến kênh này luôn ngập rác, ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh và làm tắc nghẽn dòng chảy mỗi khi mưa lớn, gây ngập nặng ở các tuyến đường xung quanh và khu vực sân bay. Đến mùa mưa, từ kênh lại xuất hiện nhiều muỗi vằn sinh sôi, là một trong những tác nhân làm bùng phát sốt xuất huyết.

TP.HCM: Tìm hướng để những dòng kênh không còn ngập rác ảnh 1

Nhiều con kênh ở TP. HCM bị ô nhiễm trầm trọng do tình trạng xả rác thải bừa bãi xuống kênh.

Tìm hướng khắc phục

Trước tình trạng ô nhiễm kênh, rạch ngày càng trầm trọng, thời gian qua, các cấp, ngành TP.HCM đã triển khai nhiều dự án khôi phục, cải tạo hệ thống kênh trên toàn địa bàn. Tuy một số dự án bị chậm tiến độ nhưng nhiều dự án đã phát huy hiệu quả.

Từ năm 2000, kênh Hàng Bàng (Quận 6) dài gần 2km chạy từ Lò Gốm đến kênh Vạn Tượng (Quận 5) bị lấp để lắp cống hộp do ô nhiễm trầm trọng. Năm 2015, thành phố thực hiện khôi phục dòng kênh này trở lại bằng cách đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Đến nay, đoạn kênh từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên và đoạn từ đường Chu Văn An đến đường Ngô Nhân Tịnh (Quận 6) đã hoàn thành cơ bản, hai bên bờ kênh được xây công viên, trồng cây xanh và trang bị các dụng cụ tập thể dục.

Trong khi đó, dự án cải tạo kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) được hoàn thành vào đầu năm 2022. Dự án này dài 1,4 km, rộng 40m gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Sau khi hoàn thành, tình trạng ô nhiễm tại kênh này đã giảm đi rõ rệt, dòng nước được khơi thông, ít đọng rác. Dọc kênh có lắp đặt hàng rào sắt cùng vỉa hè để người dân đi bộ. Tuyến đường hai bên kênh được mở rộng, trải thảm nhựa khang trang.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, khi triển khai dự án môi trường, cơ quan liên quan đều cố gắng thực hiện hai nhiệm vụ lớn là cải tạo môi trường, giao thông và tạo cuộc sống mới cho người dân ven kênh rạch.

Theo ông Lương Minh Phúc, người dân ở khu vực cải tạo kênh hầu hết là lao động phổ thông gắn với công việc ven kênh, nếu đưa người dân đi tái định cư quá xa khiến họ mất sinh kế hoặc bất tiện trong ăn ở, đi lại. Nếu có thể giúp người dân tái định cư tại chỗ hoặc gần khu vực đó, các dự án cải tạo môi trường mới thật sự thành công.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, công tác cải tạo thoát nước cho kênh, rạch để chống ngập đã có nhiều kết quả tích cực.

Để ứng phó trước mùa mưa lũ, Trung tâm đã duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu nước, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước; xây dựng phương án tổ chức trực mưa, vớt rác lòng kênh, rạch thời điểm trước, trong và sau cơn mưa… Trung tâm phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền người dân không xả rác, giữ gìn vệ sinh kênh, rạch.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Điệp, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm kênh, rạch phải đến từ ý thức tự giác của mỗi người dân. "Hệ thống kênh, rạch hiện nay lượng rác xả xuống rất nhiều, gây cản trở dòng chảy và hạn chế khả năng thoát nước, ảnh hưởng nhiều về công tác duy tu. Chúng ta vớt rác hôm trước, hôm sau lại đầy. Việc này tốn kinh phí rất lớn mà nguyên nhân là do chúng ta, do ý thức của người dân”, ông Vũ Văn Điệp nói./.

PV
Lượt xem: 109
Tác giả: PV
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...