• :
  • :

Giáo viên trẻ cần đủ thời gian tiếp cận tình huống thực tế

Clip cô giáo thân mật với nam sinh ở Hà Nội đang khiến dư luận xôn xao và đặt ra câu hỏi về cách hành xử giữa giáo viên và học trò.

Giáo viên trẻ cần đủ thời gian tiếp cận tình huống thực tế

Hình ảnh giáo viên và nam học sinh có cử chỉ thân mật tại Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) hiện đang lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp từ clip trên mạng xã hội

Một góc quay không thể đánh giá hình ảnh người thầy

Những ngày qua mạng xã hội lan truyền và xôn xao về clip quay cảnh một nam sinh có hành vi trêu đùa ôm vai, vuốt tóc... nữ giáo viên ngay trên bục giảng, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong một lớp học tại Hà Nội.

Chiều 3.10, trả lời câu hỏi của báo chí, Phó Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Quang Tuấn cho biết, sự việc xảy ra vào giờ ra chơi ngày 27.9, tại Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên).

Cô giáo dạy Văn, mới ra trường, sinh năm 2001. Trong quá trình làm việc, cô giáo hòa đồng, gần gũi với học sinh. Tuy nhiên, cô giáo trẻ, ít kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém, không nghiêm khắc, nhắc nhở kịp thời học sinh.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc ghi lại hình ảnh, đặc biệt là những hình ảnh xảy ra trong trường học, sau đó lan truyền trên mạng xã hội là hành vi thiếu cân nhắc. Người đăng chưa lường trước được có thể có ảnh hưởng xấu đối với những người trong cuộc.

"Cộng đồng đang nhìn nhận đây là hành vi ứng xử không chuẩn mực. Nhưng nếu tiếp cận ở góc nhìn khác rộng hơn, với tư duy phản biện thì cũng có thể đánh giá rằng, mối quan hệ giữa thầy trò hiện tại đã có nhiều sự thay đổi.

Trước đây, người thầy là trung tâm, có sự tôn trọng, uy tín và có khoảng cách với học trò. Còn hiện tại, mối quan hệ giữa thầy và học trò giống như 2 người bạn, người thầy đóng vai trò là người dẫn dắt, đồng hành cùng học trò trên hành trình khám phá tri thức. Đây là điều chúng ta khuyến khích và hướng tới" - PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.

Cần nâng cao kỹ năng sư phạm cho giáo viên trẻ

Từ sự việc cô giáo có hành vi không phù hợp với nam sinh tại Trường THPT Thạch Bàn, Long Biên, ông Nam đánh giá, đây là bài học đắt giá cho thầy cô trong việc nâng cao kỹ năng kiểm soát cảm xúc, ứng xử 1 cách chuyên nghiệp hơn trong môi trường giáo dục.

"Chúng ta là nhà giáo, phải hành xử theo các nguyên tắc chuẩn mực của nhà giáo dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào" - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh quan điểm.

Theo ông Nam, giáo viên cần khéo léo trong mọi tình huống sư phạm để giáo dục người học bằng nhân cách. Thầy cô cần ghi nhận những cảm xúc hoặc những thái độ tích cực mà em học sinh dành cho mình. Nhưng cũng phải nhắc nhở cách thức, lời ăn tiếng nói để đảm bảo tôn trọng lễ độ, thể hiện qua hành vi ứng xử phù hợp với môi trường giáo dục, lớp học.

Trong vụ việc cụ thể, khi đoạn clip ghi lại hình ảnh cô giáo thân mật với học trò lan truyền trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến hình người thầy, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng phải nâng cao năng lực số cho cả giáo viên và cả học sinh.

Người thầy biết cách xử lý khủng hoảng thông tin trên không gian mạng. Còn học sinh phải hiểu không phải cái gì cũng có thể đưa lên Internet.

"Đừng để các quy định, nguyên tắc ứng xử chỉ là những văn bản, mà cần phải được rèn luyện, đào tạo một cách nghiêm túc cho giáo sinh trẻ.

Để làm được điều đó, cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên cần đưa tiêu chuẩn về mặt phẩm chất, năng lực ứng xử sư phạm thành chuẩn đầu ra, giúp giáo sinh trong quá trình đào tạo hình thành vững chắc các năng lực này.

Đồng thời, cần kéo dài thời gian hội nhập nghề nghiệp để giáo viên trẻ có đủ thời gian tiếp cận những tình huống thực tế, rút ra kinh nghiệm xử lí khéo léo tình huống sư phạm" - ông Nam bày tỏ.

Lượt xem: 1
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...