Cầu lông Việt Nam đủ lực lượng tranh huy chương SEA Games 33
Mục tiêu cao nhất của cầu lông Việt Nam năm 2025 là nỗ lực giành huy chương tại SEA Games 33.
Tay vợt Nguyễn Thùy Linh là niềm hy vọng của cầu lông Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Mục tiêu khó
Môn cầu lông từ khi xuất hiện tại Việt Nam đã trở thành môn phổ cập, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Thực tế về chuyên môn thành tích cao, Đội tuyển cầu lông Việt Nam chưa từng giành được Huy chương Bạc và Huy chương Đồng tại đấu trường Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Chúng ta từng có 2 tay vợt tiêu biểu nhất trước đây gồm Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang. Tuy nhiên, kết quả cao nhất họ đã đạt được mới dừng ở Huy chương Đồng cá nhân tại một số lần dự SEA Games.
Đại diện bộ môn cầu lông (Cục Thể dục - Thể thao Việt Nam) và Liên đoàn Cầu lông Việt Nam từng cho biết, mục tiêu hướng đến dự SEA Games 33 là phải giành được huy chương. Báo cáo công tác chuyên môn, định hướng mục tiêu của Liên đoàn cầu lông Việt Nam tại Đại hội đại biểu khóa 7 (2024-2029), Chủ tịch Lê Đăng Xu khẳng định: “Cầu lông Việt Nam tiếp tục xây dựng mục tiêu đầu tư phát triển thành tích cao để có tuyển thủ giành suất dự Olympic năm 2028. Đồng thời, chúng ta tiến đến đấu trường ASIAD. Ngoài ra, cầu lông Việt Nam phải làm tốt từ chân đế, từ đấy nỗ lực giành huy chương khi thi đấu SEA Games bởi tất cả tay vợt mạnh trên thế giới trong môn cầu lông đều đang ở khu vực Đông Nam Á”.
Tại SEA Games 32 ở Campuchia (tháng 5.2023), cầu lông Việt Nam không giành được huy chương. Đoàn Thể thao Việt Nam đã đánh giá kết quả trên sau thi đấu và xác định là thất bại. Bây giờ, Đội tuyển cầu lông Việt Nam đã tập trung tập huấn năm 2025. Đề bài đã được đưa ra là tìm phương cách đầu tư, đào tạo huấn luyện, thi đấu để đạt giá trị trực tiếp trước mắt giành huy chương SEA Games 33-2025. Bây giờ, ban huấn luyện đội tuyển cầu lông đang đi tìm lời giải.
Lực lượng là ai?
Đội tuyển cầu lông Việt Nam năm 2025 đã tập trung 17 tuyển thủ. Tất cả vận động viên được tập huấn tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Năm nay, với mục tiêu giành huy chương SEA Games 33, ban huấn luyện đội tuyển có huấn luyện viên trưởng Ngô Trung Dũng, huấn luyện viên Bùi Bằng Đức cùng chuyên gia Hariawan chịu trách nhiệm chuyên môn.
Tại thành phần đội tuyển cầu lông Việt Nam, 2 tay vợt có chuyên môn cao nhất tiếp tục góp mặt gồm Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát. Ngoài họ, nhiều vận động viên trẻ đang là thành viên Đội tuyển cầu lông Việt Nam như Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Văn Mai, Trần Thị Ánh, Nguyễn Thị Thu Huyền, Trần Quốc Khánh... được đánh giá có tiềm năng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu các tay vợt vượt tầm chuyên môn đủ khả năng áp đảo thi đấu trước đối thủ tại Đông Nam Á và châu Á.
Trong hành trình chuyên môn, Nguyễn Thùy Linh đã dự 3 kỳ SEA Games nhưng cô chưa từng đạt huy chương nội dung đơn nữ. Tay vợt Lê Đức Phát đã tham gia SEA Games 31 và SEA Games 32 nhưng sớm dừng bước trong nội dung đơn nam.
“Chúng tôi phải lựa chọn nội dung phù hợp để xác định cơ hội của mình trước đối thủ tại SEA Games. Chiến thuật trong thi đấu rất quan trọng”, phụ trách bộ môn cầu lông (Cục Thể dục - Thể thao Việt Nam) - ông Khoa Trung Kiên đã phân tích. Kết quả gần nhất của Đội tuyển cầu lông Việt Nam là giành 3 tấm Huy chương Đồng tại SEA Games 31 (tháng 5.2022) diễn ra ở Việt Nam.
Chúng ta đã giành được Huy chương Đồng nội dung đồng đội nữ, đôi nam (Đỗ Tuấn Đức/Phạm Hồng Nam), đơn nam (Nguyễn Tiến Minh). Đặt cơ hội để tranh chấp kết quả trong nội dung đôi và đồng đội là bài toán đã và đang được ban huấn luyện Đội tuyển cầu lông Việt Nam tính toán. SEA Games 33 tại Thái Lan, môn cầu lông có 7 bộ huy chương thi đấu (đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ).
Với đội hình nữ hiện tại (trong đó có Nguyễn Thùy Linh, Thân Vân Anh, Trần Thị Phương Thúy, Bùi Bích Phương...), qua tìm hiểu, ban huấn luyện chuẩn bị tập trung chuyên môn tối ưu nhất đối với nội dung đồng đội để chúng ta giành kết quả khả quan, hiện thực tấm huy chương SEA Games sau nhiều chờ đợi.