• :
  • :

Dấu hỏi về thể chất người Việt

Olympic tại Paris vừa kết thúc, Đoàn Thể thao Việt Nam lại một lần nữa… trắng tay. Để nâng cao thành tích ở một đấu trường như Olympic là một cầu chuyện dài, liên quan đến chiến lược, đầu tư, lựa chọn, các chính sách để phát triển.

Dấu hỏi về thể chất người Việt

Cần khuyến khích người dân vận động nhiều hơn (Giải cầu lông do Công đoàn ngành Y tế Cần Thơ tổ chức). Ảnh: Công đoàn ngành Y tế Cần Thơ

Nhưng cũng từ kết quả ở Olympic, liệu có ai đặt câu hỏi về chuyện: Phải chăng người Việt hơi… lười vận động để nâng cao thể chất?

Năm ngoái, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đưa ra nhận định: Ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực, Việt Nam lọt top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới!

Nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng Thế giới cho thấy, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, giới văn phòng chỉ khoảng 600 bước mỗi ngày, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là con số 10.000. UNFPA cũng đưa ra thông báo cho thấy chiều cao trung bình hiện nay của người Việt Nam thấp đứng thứ ba châu Á, xếp gần áp chót khu vực ASEAN.

Lười vận động không chỉ ảnh hưởng tới sức đề kháng của cơ thể mà còn dẫn tới những hệ quả nguy hiểm khác về tim mạch, tiểu đường, béo phì... Bên cạnh đó, không có thói quen tập luyện thể thao sẽ khiến sức khỏe cơ xương giảm sút và phát sinh các vấn đề tâm lý - thần kinh do cơ thể không được thường xuyên đào thải stress.

Mặt khác, các chuyên gia y tế đã chứng minh, vận động thường xuyên như chăm chỉ tập thể dục thể thao hay tham gia vào các hoạt động nâng cao thể lực chính là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để có một sức khỏe dẻo dai và hình thành lối sống lành mạnh.

Thời trước có câu “buổi sáng người trẻ uống trà, người già tập thể dục” để nói về một trạng thái của xã hội về chuyện người trẻ ít vận động. Bây giờ thay vì trà, một bộ phận giới trẻ ngồi… cà phê. Thực tế thì đời sống hiện đại, người dân Việt Nam đã chăm chỉ vận động hơn, nhưng như vậy chưa đủ. Có rất nhiều phần mềm đo đạc bước di chuyển có thể dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh. Hãy thử cài và tự đo đếm xem liệu trong một ngày, mình có đạt 10.000 bước chân tiêu chuẩn không?

Rèn luyện thể chất, tăng cường vận động không chỉ nên là một cuộc vận động mang tính phong trào. Hơn 10 năm trước đã có hẳn một Đề án mang tính Quốc gia là “Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới” với mục tiêu: Mục tiêu cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam là: Đối với nam 18 tuổi, năm 2020 có chiều cao trung bình 167cm và đến năm 2030 chỉ số này là 168,5cm; đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình là 156cm và đạt 157,5cm vào năm 2030. Sức bền và sức mạnh của thanh niên, trong đó năm 2020 khả năng chạy tùy sức 5 phút của nam 18 tuổi được tính trong quãng đường trung bình đạt 1.050m, chỉ số này ở nữ 18 tuổi là trong quãng đường trung bình đạt 850m…

Số tiền nêu trong đề án lên tới trên 6.000 tỉ đồng (thời điểm 2011) nhưng cho đến nay chưa có tổng kết, đánh giá một cách cụ thể.

Nhưng suy cho cùng, tăng cường vận động, nâng cao thể chất phải xuất phát từ nhu cầu tự thân. Mỗi một người ý thức được việc giữ gìn và nâng cao sức khỏe bản thân cũng là đóng góp, tạo dựng một quốc gia khỏe mạnh, hùng cường để cùng xây dựng xã hội đẹp hơn, khỏe hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết