• :
  • :

Thể thao Việt Nam cần xây dựng mạng lưới y học toàn diện

Cần xây dựng một mạng lưới y học thể thao quốc gia toàn diện để nâng cao hiệu quả phục vụ mục tiêu giành huy chương tại Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Thể thao Việt Nam cần xây dựng mạng lưới y học toàn diện

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao, phụ trách phòng Y học thể thao VFF thăm khám sức khỏe cho cầu thủ Đình Bắc năm 2024. Ảnh: VFF

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu hướng đến Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046, thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao Việt Nam chú trọng việc đầu tư vào khoa học thể thao, dinh dưỡng và y sinh học để hỗ trợ nâng cao thành tích.

Song, việc thiếu đội ngũ chuyên gia y học thể thao có trình độ cao cũng như việc đầu tư chưa được quan tâm đúng mức cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển đồng bộ của thể thao Việt Nam.

Tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm (28.3), TS.BSCKII Lê Thanh Tùng - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã trình bày tầm quan trọng của y học trong thể thao, đồng thời đề xuất giải pháp chăm sóc sức khỏe, phục hồi và điều trị chấn thương cho vận động viên.

Việc định hướng xây dựng mạng lưới y học thể thao quốc gia, nâng cao hiệu quả phục vụ thể thao thành tích cao là rất quan trọng.

So với các nền thể thao tiên tiến trên thế giới, hệ thống y học thể thao hiện đại, chuyên sâu và đồng bộ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Điển hình như quy trình kiểm tra, đánh giá thể trạng chưa được chuẩn hóa, chưa ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ; điều trị chấn thương và phục hồi thể lực chưa tích hợp chặt chẽ vào chu trình huấn luyện - thi đấu - hồi phục, thiếu tính cá thể hóa; nhân lực y học thể thao còn thiếu, chưa đồng đều về chất lượng...

Đáng chú ý, ngành thể thao cũng chưa có hệ thống dữ liệu sức khỏe vận động viên liên thông, gây khó khăn trong theo dõi, quản lý và dự báo nguy cơ chấn thương; mạng lưới y học thể thao tại cơ sở còn yếu, thiếu kết nối chuyên môn với tuyến trên.

Thực trạng trên cho thấy sự cần thiết và cấp bách trong việc xây dựng một hệ thống y học thể thao đồng bộ, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thể thao thành tích cao trong giai đoạn mới.

Dựa trên cơ sở thực tiễn, đại diện Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng đề xuất 5 nhóm định hướng, bao gồm:

- Tăng cường đầu tư và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển y học thể thao chuyên sâu.

- Xây dựng mạng lưới y học thể thao 3 tuyến, kết nối liên thông từ trung ương đến cơ sở, trong đó bao gồm việc thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống y học thể thao và y tế địa phương để đảm bảo liên tục trong theo dõi và chăm sóc sức khỏe vận động viên.

- Phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực y học thể thao như đẩy mạnh đào tạo chính quy bác sĩ thể thao tại các trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y tế tại các tuyến...

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ hiện đại, bao gồm mở rộng hợp tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học như trí tuệ nhân tạo, tham gia mạng lưới chuyên môn y học thể thao quốc tế, cập nhật xu hướng hiện đại...

- Xây dựng hệ sinh thái y học thể thao toàn diện, hiện đại và cá thể hóa như phát triển hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân hóa; hình thành mô hình chăm sóc toàn diện: từ dự phòng - chẩn đoán sớm - điều trị - phục hồi - tâm lý - dinh dưỡng - tối ưu hóa thi đấu - kéo dài tuổi nghề...

Bác sĩ Lê Thanh Tùng khẳng định, trong bối cảnh thể thao Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và khoa học, việc xây dựng một hệ thống y học thể thao đồng bộ, hiệu quả và bền vững không chỉ là yêu cầu chuyên môn cấp thiết, mà còn là một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển thể thao quốc gia giai đoạn mới.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...