• :
  • :

Với bóng đá nữ, sự chăm lo thiết thực quan trọng hơn chỗ đứng trong một bức hình

Nổi tiếng nhất trên mạng xã hội đang là bức ảnh chụp các quan chức dàn hàng ngang che hết các tuyển thủ nữ trong lễ xuất quân của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia tham dự Word cup 2023.

Với bóng đá nữ, sự chăm lo thiết thực quan trọng hơn chỗ đứng trong một bức hình

Đội tuyển nữ Việt Nam được trao tặng 1 tỉ đồng trước khi tham dự World Cup nữ. Ảnh: VFF

Người ta bàn tán nhiều, và thấy không hợp lẽ, một phần do dư âm của vụ diễu hành ăn mừng của đội tuyển U23 trở về từ chiến tích Thường Châu năm nào với hình ảnh các quan chức ngành thể thao luôn chiếm vị trí trung tâm trong các bức ảnh.

Một kiểu khơi lại nỗi đau và sự ẩn ức tâm lý. Chứ thật ra, xem lại toàn bộ ảnh và clip của lễ xuất quân hôm qua, thì đó chỉ là phút cuối – lúc chụp ảnh lưu niệm. Chứ mọi thứ diễn ra trong buổi lễ, cơ bản là không có gì để phàn nàn.

Tuy nhiên bức ảnh, lần nữa cho thấy một thói quen không được đẹp lắm khi chụp hình lưu niệm trong các sự kiện của phần lớn chúng ta, đặc biệt là những người có chức sắc.

Đó là thói quen luôn tìm cách để đứng gần những người có vị trí, chức vụ cao hơn mình. Và có những người luôn cố chen lên đầu tiên để mình được đẹp hơn, rõ hơn, thần thái hơn mà đôi khi quên mất, chủ thể cũng bức ảnh kỷ niệm đó là những ai.

Chúng ta, thường được khuyên dạy “ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, tức phải biết ngồi đúng cái ghế của mình. Nhưng thật ra, chỉ ngồi đúng ghế không thôi vẫn chưa đủ mà đứng, cũng phải biết đứng cho đúng với chỗ, với vị trí của mình. Không nên đứng lẫn lộn trước sau phải trái, kiểu “ăn cỗ đi trước” nhưng khi có "sự cố" là không thấy mặt mũi tăm hơi đâu cả.

Đó là còn chưa nói đến phép lịch sự tối thiếu mà những quý ông cần có, trong trường hợp này là với những bóng hồng đang gánh vác trên vai trách nhiệm trọng đại trong lần đầu tiên ở đấu trường World cup.

Bóng đá là cuộc đời, nhưng “cuộc đời” không chỉ là những gì diễn ra trên sân bóng, trong một trận đấu cụ thể mà còn tính cả với những gì chuyện bên lề. Nên có lẽ, những nữ tuyển thủ của chúng ta cũng không thấy phiền hà, cũng không quan trọng lắm chuyện mình được đứng trước hay bị đứng sau trong một bức hình kỷ niệm.

Điều họ cần hơn, là một sự tôn trọng có tính thực chất. Ví như nếu thắng thì vui nhưng đừng vui quá, nếu thua thì cũng là chuyện bình thường nên đừng có hùa nhau chê bai, mắng mỏ như lên đồng mà tội nghiệp.

Ví như sự chăm lo cho đội tuyển bóng đá nữ, nó không chỉ thể hiện ở lời hứa, lời nói đôi khi "gió bay" mà còn là những hành động cụ thể, thiết thực cả trong và ngoài sân bóng.

Một mức lương và thu nhập đủ sống ở các câu lạc bộ để không phải vừa đá bóng vừa làm thêm đủ nghề; một sự bảo đảm về công ăn việc làm sau khi họ từ giã đội tuyển hay giải nghệ; một căn hộ trả góp để có chỗ che nắng che mưa; một sự đối xử bình đẳng về giới như bóng đá nam…

Điều gì trong những điều vừa kể, với các tuyển thủ nữ của chúng ta, bây giờ và sau này, đều quan trọng hơn nhiều so với vị trí hay chỗ đứng trong một bức ảnh lưu niệm!