• :
  • :

17 đơn vị vượt chỉ tiêu đăng ký cả Chương trình 1 triệu sáng kiến

Ngày 3.11, theo Tổng LĐLĐVN, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt bậc của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động (CNVCLĐ) và các cấp công đoàn cả nước, Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (Chương trình) đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến vào 15h34 ngày 3.10.2022, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 1 năm (332 ngày).  

17 đơn vị vượt chỉ tiêu đăng ký cả Chương trình 1 triệu sáng kiến

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải (thứ 2 từ trái sang) chúc mừng đoàn viên Hồ Thị Bé Thảo đạt mốc thứ 1 triệu sáng kiến. Ảnh: Hà Anh Chiến

Tính đến ngày 30.10.2022, đã có 17 đơn vị vượt chỉ tiêu đăng ký cả Chương trình, trong đó, có một số đơn vị quyết liệt, bứt phá, vượt chỉ tiêu cao như LĐLĐ tỉnh Hậu Giang, Công đoàn Công thương Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, LĐLĐ tỉnh Cà Mau, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng, LĐLĐ tỉnh Nghệ An…

Từ khi kết thúc giai đoạn 1 (ngày 31.5.2022) đến nay, số lượng sáng kiến của công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp tăng mạnh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39%; nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao, sáng kiến mang lại ý nghĩa kinh tế - xã hội và cộng đồng. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với công đoàn cơ sở tổ chức vận động, khuyến khích đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển. 

Đại diện Tổng LĐLĐVN và Công đoàn Công Thương Việt Nam xuống nhà máy động viên người lao động có sáng kiến tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến. Ảnh: Hà Anh

Đại diện Tổng LĐLĐVN và Công đoàn Công Thương Việt Nam xuống nhà máy động viên người lao động có sáng kiến tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến. Ảnh: Hà Anh 

Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa quyết liệt để thúc đẩy Chương trình, chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm lực sẵn có của địa phương, ngành; số lượng sáng kiến còn thấp so với chỉ tiêu đề ra (còn 28 đơn vị đạt dưới 50% chỉ tiêu cả Chương trình) do đó cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Phát huy những kết quả đã được đạt trong giai đoạn vừa qua, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình từ nay đến thời điểm kết thúc (1.9.2023), thiết thực chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐVN đề nghị lãnh đạo các đơn vị tập trung quán triệt và xác định Chương trình là hoạt động thi đua cốt lõi, trọng tâm của năm 2023 để chào mừng đại hội công đoàn các cấp, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 – 11.6.2023)…

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp truyền thông về Chương trình, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội, tập trung vào con người và sáng kiến cụ thể, đặc biệt là sáng kiến tiêu biểu của đoàn viên, người lao động trong khu vực doanh nghiệp; hiệu quả, tác động và giá trị làm lợi của sáng kiến…

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp công đoàn, tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế của đơn vị trong thời gian vừa qua, nghiên cứu các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, triển khai Chương trình đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đăng ký. 

Các cấp công đoàn tích cực phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động đẩy mạnh Chương trình; quan tâm, thương lượng về chế độ, chính sách động viên về vật chất, tinh thần cho sự nỗ lực, vượt khó, sáng tạo của người lao động; kịp thời phát huy hiệu quả sáng kiến, sáng tạo của đoàn viên, người lao động trong sản xuất, công tác; xây dựng tiêu chí khen thưởng phù hợp với từng cấp công đoàn.

Duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình “Tổ hỗ trợ sáng kiến”; kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, CNVCLĐ lập hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến; cập nhập đầy đủ, trung thực về nội dung, hiệu quả và giá trị làm lợi của sáng kiến (thống nhất kê khai giá trị làm lợi ước tính trong 1 năm). 

Rà soát, đánh giá cụ thể về giá trị làm lợi của sáng kiến; tổng hợp các sáng kiến có giá trị làm lợi kinh tế lớn, sáng kiến có ý nghĩa xã hội và cộng đồng sâu sắc, có sức ảnh hưởng và lan tỏa cao, rà soát tính hợp lệ và các thủ tục để chuẩn bị công tác khen thưởng khi kết thúc Chương trình.

Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ CNVCLĐ cập nhật sáng kiến trên phần mềm trực tuyến; sàng lọc sáng kiến trùng lặp, bổ sung một số tính năng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản trị, tổng hợp sáng kiến.

Tổ chức đánh giá, tổng kết Chương trình tại các cấp công đoàn, biểu dương, khen thưởng, ghi nhận và tôn vinh các cá nhân có sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu, nhất là tại công đoàn cơ sở, tạo động lực cho sự cống hiến và phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…