• :
  • :

Bến xe lớn nhất nước ế khách

TPHCM – Có hơn 70 doanh nghiệp vận tải không đưa xe khách vào bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) mà 1 năm qua chuyển ra ngoài chạy “dù” hoặc hoạt động ở bến khác. Với số chuyến hoạt động chỉ đạt 3% công suất, bến xe lớn nhất nước lâm cảnh đìu hiu sau 3 năm khai thác.

Bến xe lớn nhất nước ế khách

Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức). Ảnh: Chân Phúc

Số chuyến chỉ đạt 3% công suất

Bến xe Miền Đông mới có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỉ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.

Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào hoạt động (tháng 10.2020), lượng xe trong bến xe Miền Đông mới giảm mạnh so với trước thời điểm di dời các tuyến xe khách cố định liên tỉnh từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) qua. Cụ thể, trước đó tại bến xe Miền Đông cũ có 106 đơn vị vận tải đăng ký hoạt động với 853 đầu xe trên 101 tuyến. Sản lượng khai thác đạt trung bình mỗi ngày 6.403 lượt khách/492 chuyến.

Sau hai giai đoạn thực hiện di dời, bến xe Miền Đông mới còn 55 đơn vị vận tải đăng ký hoạt động với 641 phương tiện trên 53 tuyến. Công suất bến xe được công bố là 6.120 chuyến/ngày, nay bến xe chỉ đạt 179 chuyến/ngày, công suất chỉ đạt 3%.

Bến xe Miền Đông mới đìu hiu sau 3 năm hoạt động.  Ảnh: Chân Phúc

Bến xe Miền Đông mới đìu hiu sau 3 năm hoạt động. Ảnh: Chân Phúc

Theo ông Nguyễn Lâm Hải – Phó Giám đốc bến xe Miền Đông mới, sau khi di dời giai đoạn 2 (ngày 11.10.2022), có 39 doanh nghiệp vận tải không đưa xe vào bến hoạt động. Trong 2 tháng gần nhất (từ ngày 1.8 đến 30.9.2023), có thêm 40 doanh nghiệp vận tải rời bỏ bến xe Miền Đông mới.

Ông Hải cho biết, các doanh nghiệp này chuyển sang các bến xe liên tỉnh khác hoặc chuyển sang hình thức xe hợp đồng để tổ chức đón, trả khách không đúng nơi quy định tại khu vực trung tâm, các bãi xe, dọc các quốc lộ, cây xăng,…

Đại diện nhà xe Hùng Nga chạy tuyến TPHCM - Bình Định cho biết, doanh nghiệp này chấp thuận di dời từ bến cũ ra bến xe mới từ tháng 10.2022. Thế nhưng, suốt thời gian qua, doanh nghiệp luôn phải gồng lỗ. “Lượng khách đến bến xe mới rất ít, cho nên những nhà xe di dời về đây cũng chịu cảnh ế ẩm. Có những xe xuất bến trên xe chỉ với 5-10 hành khách không đủ chi phí bù lỗ” – đại diện nhà xe Hùng Nga nói.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bến xe Miền Đông mới vắng khách chủ yếu do hạ tầng giao thông xung quanh bến xe mới chưa hoàn thiện. Cụ thể, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chưa xong, một số dự án làm cầu đường kết nối vào bến chưa triển khai.

Hành khách thì cho rằng bến xe mới quá xa, bất tiện nên họ chọn đi "xe dù, bến cóc" đưa rước tận nhà. Bên cạnh đó, "xe dù, bến cóc" vẫn hoạt động rầm rộ trong trung tâm TPHCM khiến nhiều đơn vị vận tải lao đao, phải ngừng hoạt động, chuyển ra ngoài hoặc sang bến khác.

Vị trí bến mới không thuận tiện

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – chuyên về quy hoạch đô thị, khi chuyển từ bến xe cũ sang bến xe mới, vấn đề cần quan tâm nhất là kết nối. Có ba kết nối quan trọng, gồm: kết nối với Metro số 1; kết nối với xe buýt; kết nối hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng những kết nối trên chưa đáp ứng nhu cầu và thiếu sự đồng bộ nên bến xe mới vắng khách.

“Khi thay đổi vị trí của bến xe, về lâu dài, bến xe mới cần có hệ sinh thái gồm tiện ích dịch vụ dọc bến, đó là dịch vụ thương mại, dãy nhà trọ, chỗ ăn uống, trạm xăng... trong hoặc dọc bên ngoài bến xe Miền Đông mới. Hiện thành phố mới chỉ xây bến mà thiếu hệ sinh thái, dịch vụ đi kèm, thiếu những tuyến xe buýt gom khách về bến xe mới” – ông Sơn nói.

Toàn cảnh bến xe Miền Đông. Ảnh: Anh Tú

Toàn cảnh bến xe Miền Đông. Ảnh: Anh Tú

Trong khi đó, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách du lịch TPHCM, cho rằng với số lượng hơn 70 doanh nghiệp vận tải rời bỏ bến xe Miền Đông mới phần nào cho thấy vị trí mới chưa thuận tiện với khách cũng như nhà xe. Hiện, bến có một số tuyến buýt kết nối, xe trung chuyển song chưa giải quyết nhu cầu thực tế cho khách ra vào.

Theo ông Tính, quy hoạch bến xe ở xa trung tâm phù hợp trong bối cảnh hơn 10 năm trước, khi các loại hình đi lại, kinh tế, công nghệ... chưa phát triển. Hiện, các phương thức vận chuyển rất đa dạng, nhu cầu của khách cũng cao hơn nhiều nên họ sẽ so sánh, chọn cách thuận tiện nhất cho mình. “TPHCM nên nghiên cứu phương án bố trí bến bãi nhỏ ở nội thành và tạo mạng lưới trung chuyển như taxi, xe công nghệ... mới đáp ứng nhu cầu" – ông Tính nói.

Lãnh đạo bến xe Miền Đông mới mong muốn TPHCM sớm tính toán, tiến đến cấm xe khách giường nằm vào nội đô 24/24 giờ thay vì từ 6h - 22h như hiện nay. Tăng cường phát triển giao thông công cộng, hoàn thiện đường sá hạ tầng giao thông kết nối vào bến xe.

Lượt xem: 8
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết