• :
  • :

Cơ hội tốt nhất cho hòa bình của Ukraine

Sự trung lập có thể mang tới hòa bình cho Ukraine, cũng như sự hài lòng cho cả Nga và phương Tây.

Ở giai đoạn này của cuộc chiến ở Ukraine, khi Nga đẩy mạnh cuộc tấn công ở Donbas và sự tàn phá khủng khiếp mà chiến tranh gây ra cho Ukraine, viễn cảnh về bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Moscow và Kyiv dường như rất xa vời. Ngay cả vào đầu mùa xuân này, khi các phái đoàn của hai bên gặp mặt nhau, các cuộc đàm phán đã có rất ít tác động đến quyết tâm tiếp tục chiến đấu của Nga và Ukraine. Và đôi khi, cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều bác bỏ các cuộc đàm phán. Hiện tại, các bên đã chấm dứt các nỗ lực ngoại giao của họ.

Giữa sự u ám, sẽ rất dễ dàng quên đi những tiến bộ thực sự mà các nhà đàm phán đã đạt được. Vào cuối tháng 3, các nhà ngoại giao Ukraine đã giới thiệu một khuôn khổ đổi mới cho một thỏa thuận có thể cung cấp "cây cầu" thoát khỏi chiến tranh. Và ý tưởng này đã được tiết lộ với báo chí sau cuộc hội đàm tại Istanbul vào ngày 29/3, nhưng nhận được ít nhất sự ủng hộ sơ bộ từ cả hai bên: Ukraine sẽ từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và giữ thái độ trung lập vĩnh viễn để đổi lấy việc nhận được sự đảm bảo an ninh từ cả Nga và phương Tây.

Có lẽ vì còn quá sớm, nên tầm quan trọng của đề xuất Istanbul vẫn chưa được đánh giá cao ở phương Tây, nơi các đảm bảo an ninh đồng nghĩa với các hiệp ước liên minh. Không giống như một liên minh, liên kết các đối tác thân thiết trong hệ thống phòng thủ chung, thường là chống lại kẻ thù tiềm tàng, thỏa thuận trung lập được đề xuất kêu gọi các đối thủ địa chính trị cùng đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine. Nếu đề xuất trở thành cơ sở của một dàn xếp cuối cùng, kết quả sẽ là một cơ chế khác thường, có thể khiến chính Nga trở thành một bên liên quan trong nền an ninh của Ukraine.

Trung lập thay vì NATO

Trong bối cảnh Ukraine, các quan chức và nhà phân tích có xu hướng đánh đồng các đảm bảo an ninh với Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), điều khoản coi một "cuộc tấn công vũ trang" nhắm vào một đồng minh là một cuộc tấn công chống lại tất cả và kêu gọi liên minh phải đáp trả. Trên thực tế, Ukraine mong muốn gia nhập NATO vì cam kết phòng thủ tập thể này. Trong khi đó, các nước NATO đều "ngó lơ" đề nghị gia nhập Ukraine vì các nghĩa vụ của Điều 5 có thể dẫn đến nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.

Đề xuất của Istanbul hình dung một cơ chế rất khác để đảm bảo an ninh của Ukraine. Theo thông cáo được tiết lộ với báo chí, đề xuất này sẽ thiết lập Ukraine trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn và cung cấp các bảo đảm pháp lý quốc tế về tình trạng phi hạt nhân hóa và không liên kết của nước này. Những người bảo đảm hiệp ước sẽ bao gồm tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh và Mỹ, cũng như Canada, Đức, Israel, Ý, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine, những quốc gia bảo lãnh này, sau khi nhận được lời kêu gọi chính thức từ Kyiv và tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp, sẽ cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm sử dụng vũ lực “với mục tiêu khôi phục và sau đó duy trì an ninh của Ukraine với tư cách là một quốc gia trung lập vĩnh viễn”.

Theo đề xuất, các bảo đảm an ninh sẽ không mở rộng đến các vùng lãnh thổ của Ukraine do Nga chiếm đóng. Ukraine sẽ cam kết không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào hoặc sở hữu bất kỳ căn cứ hoặc lực lượng quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình. Bất kỳ cuộc tập trận quân sự đa quốc gia nào ở Ukraine sẽ chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng ý của tất cả các quốc gia bảo lãnh. Và cuối cùng, những người bảo lãnh sẽ xác nhận ý định thúc đẩy Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu. Đề xuất bao gồm các điều khoản bổ sung, và một số chi tiết nhất định đã được làm rõ kể từ cuộc họp ở Istanbul. Nhưng theo các báo cáo đã được công bố, những điểm cốt lõi của thông cáo vẫn còn nguyên trên bàn.

Ngay sau hội nghị Istanbul, đã có nhiều câu hỏi về việc liệu Nga có từ chối đề xuất này hay không - đặc biệt là sau khi trưởng đoàn đàm phán Nga, Vladimir Medinsky, bị chỉ trích gay gắt ở Nga vì không có quan điểm cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán.

Sau vài tuần giao tranh đầu tiên, chính phủ Nga đồng ý đàm phán, phía Moscow đưa ra một số yêu cầu cực đoan: chẳng hạn như việc Ukraine công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, dù yêu cầu này không có trong thông cáo chung Istanbul. Hơn nữa, những người cứng rắn ở Nga đã ca ngợi các đề xuất chấp nhận bảo đảm an ninh của Mỹ đối với Ukraine và ủng hộ tư cách thành viên EU của Kyiv.

Nhưng hai ngày sau khi trở lại Moscow, ông Medinsky xuất hiện trước ống kính và đưa ra đánh giá rất lạc quan về kế hoạch Istanbul. Có vẻ như rất ít khả năng ông sẽ làm như vậy nếu không hỏi ý kiến Tổng thống ​​Putin trước. Và bản thân Putin, trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres vào cuối tháng 4, đã gọi đề xuất này là một “bước đột phá thực sự”.

Trên thực tế, thông cáo chung của Istanbul có thể là một bước đột phá — ít nhất là một khái niệm. Lúc đầu, điều này không hoàn toàn rõ ràng ở các thủ đô phương Tây. Khi được hỏi liệu Vương quốc Anh có sẵn sàng trở thành người bảo lãnh cho Ukraine ngay sau cuộc họp ở Istanbul hay không, Phó thủ tướng Anh Dominic Raab đã chỉ ra rằng: “Ukraine không phải là thành viên NATO. Chúng tôi sẽ không để Nga tham gia vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp về Ukraine."

Nói cách khác, nếu các đồng minh NATO không muốn áp dụng Điều 5 cho Ukraine vì điều này có thể khiến họ đối đầu với Nga, tại sao họ lại đưa ra cam kết tương tự cho Ukraine dưới một hình thức khác?

Nhưng các đảm bảo an ninh được nêu trong thông cáo chung của Istanbul rất khác với Điều 5. Quan trọng nhất, không giống như Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, thỏa thuận được đề xuất sẽ bao gồm Nga với tư cách là một bên trong thỏa thuận. Đề xuất Istanbul ngụ ý sự đồng ý của Nga đối với các bảo đảm của Mỹ và các đồng minh đối với Ukraine, đổi lại phương Tây sẽ đồng tình với tư cách bảo hộ của Nga.

Bởi sự hiện diện của các quốc gia đối thủ trong nhóm bảo lãnh, đề xuất của Istanbul sẽ không phải là một hiệp ước liên minh như NATO, mà là một đảm bảo an ninh đa phương, một thỏa thuận theo đó các cường quốc cạnh tranh cam kết bảo vệ an ninh của một quốc gia thứ ba, thường dựa trên sự hiểu biết rằng nó sẽ vẫn trung lập và không liên kết với bất kỳ cường quốc nào trong số đó.

Bài học từ Bỉ

Các bảo đảm an ninh đa phương phục vụ một mục đích cơ bản khác với các liên minh. Trong khi các liên minh như NATO nhằm duy trì khả năng phòng thủ tập thể chống lại kẻ thù chung, thì các bảo đảm an ninh đa phương được thiết kế để đảm bảo sự đồng nhất giữa các bên bảo lãnh liên quan đến quốc gia được bảo lãnh và mở rộng để tăng cường an ninh của quốc gia đó. Theo nghĩa này, đề xuất Istanbul có hình thức tương tự như các hiệp ước bảo vệ nền độc lập của Bỉ và đảm bảo tính trung lập vĩnh viễn của nước này vào các năm 1831 và 1839.

Trước những hiệp ước đó, Bỉ không tồn tại. Do vị trí địa lý chiến lược - quốc gia này có bờ biển Bắc Hải gần với Anh và nằm trên đất liền giữa Đức, Pháp và Hà Lan - lãnh thổ của quốc gia này từng là vùng chiến địa của hơn một nghìn trận giao tranh giữa các cường quốc châu Âu kể từ thời La Mã.

Khi dân Bỉ nổi dậy chống lại những người cai trị lúc bấy giờ: người Hà Lan, vào năm 1830, các cường quốc lúc bấy giờ của châu Âu như Áo, Phổ, Anh, Pháp và Nga bắt đầu các cuộc đàm phán kéo dài với cả hai bên để tìm ra các thông số của một nền độc lập. Nước Bỉ cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về một hiệp ước trên phạm vi rộng tách nước này khỏi Hà Lan và đồng ý là một "quốc gia độc lập và vĩnh viễn trung lập, ràng buộc tuân thủ sự trung lập đối với tất cả các quốc gia khác." Các điều khoản của hiệp ước được "đặt dưới sự bảo đảm" của 5 nước lớn ký kết.

Sự dàn xếp này có thể thực hiện được vì tất cả các quốc gia lớn ở châu Âu đều coi sự độc lập, an ninh và trung lập của Bỉ là điều cần thiết đối với an ninh của toàn lục địa. Bỉ đặc biệt quan trọng đối với các đối thủ cường quốc lân cận, Pháp và Đức, vì địa hình bằng phẳng đã khiến nước này trở thành con đường trực tiếp để nước này xâm lược nước kia. Trong khi người Anh Anh muốn Bỉ độc lập nhằm đảm bảo an ninh hàng hải và duy trì vị thế trung tâm thương mại của châu Âu.

Nhưng cùng với những nước bảo lãnh, Bỉ cũng được hưởng lợi: nước này đã giành được độc lập và có 75 năm hòa bình. Thật vậy, trong nhiều trường hợp, hiệp ước đã được một trong những nước bảo lãnh của Bỉ viện dẫn để ngăn cản sự can thiệp của nước khác (thường là của Pháp hoặc Đức) đối với quốc gia này. Như một nhà quan sát người Anh đầu thế kỷ 20 đã nói: "Đó là một trong những hiệp ước được thành lập không chỉ dựa trên sự cân nhắc đối với Bỉ, những người có lợi theo Hiệp ước, mà còn vì lợi ích của những người đảm bảo tính trung lập của Bỉ."

Tất nhiên, vào năm 1914, Đức đã vi phạm cam kết của mình khi xâm lược và chiếm đóng Bỉ như một phần trong kế hoạch tấn công nước Pháp. Do đó, sự trung lập của Bỉ đôi khi được coi là một thử nghiệm thất bại. Nhưng Vương quốc Anh đã tôn trọng vị thế bảo hộ của mình và tham gia vào cuộc chiến chống lại Đức. Hơn nữa, vào thời điểm này, Bỉ đã được hưởng 3/4 thế kỷ hòa bình theo hiệp ước, gần gấp 3 lần kỷ nguyên hòa bình ngắn ngủi mà Ukraine thời hậu Xô Viết được hưởng trước cuộc tấn công đầu tiên của Nga vào năm 2014.

Vị trí địa lý của Ukraine, giống như của Bỉ, khiến quốc gia này trở thành mối quan tâm an ninh cốt lõi đối với các đối thủ địa chính trị có biên giới với quốc gia này. Và, cũng như an ninh của Bỉ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, an ninh của Ukraine hiện được coi là trọng tâm đối với hòa bình và ổn định của toàn lục địa.

Và giống như các hiệp ước của Bỉ, thông cáo chung của Istanbul mang lại lợi ích cho cả quốc gia được bảo lãnh và những nước bảo lãnh. Ukraine sẽ chấm dứt cảnh chiến tranh và không còn lo sợ về một cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai. Ukraine cũng sẽ được Nga chấp thuận cho gia nhập EU.

Về phần mình, Nga sẽ có được sự trung lập của Ukraine, chấm dứt "ác mộng" nước này gia nhập NATO. Và đối với phương Tây, việc Điện Kremlin từ bỏ phản đối việc Ukraine trở thành thành viên EU sẽ có nghĩa là Ukraine cuối cùng sẽ rời khỏi vùng ảnh hưởng của Moscow.

Triển vọng thành công

Mặc dù Nga sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch Istanbul, nhưng nhiều nhà quan sát nghi ngờ rằng Moscow sẽ chấp thuận nó. Rốt cuộc, Nga sẽ nhận ra rằng nếu nổ ra giao tranh với Ukraine trong tương lai, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao xảy ra chiến tranh với MỸ và các đồng minh. Do đó, có hai lời giải thích khả dĩ, tại sao Điện Kremlin ra dấu hiệu ủng hộ sơ bộ đề xuâsst Istanbul. Thứ nhất, có thể Nga không coi trọng viễn cảnh Mỹ và các đồng minh của họ "thực hiện tốt các đảm bảo với Ukraine và sẽ ký với ý định vi phạm thỏa thuận - nhiều như việc Đức bác bỏ hiệp ước của Bỉ như một tờ giấy vụn."

Nhưng nguy cơ quân đội Mỹ đặt chân xuống lãnh thổ Ukraine vẫn khiến Nga e dè. Có vẻ như Nga không muốn viễn cảnh chiến tranh với Mỹ trở thành sự thật chỉ để chứng minh một quan điểm.

Điều đó dẫn đến cách giải thích thứ hai: nếu Ukraine chấp nhận trung lập vĩnh viễn, như kế hoạch yêu cầu, Nga sẽ không quan tâm đến việc tấn công nước này. Điều đó không chỉ giải thích cho việc Moscow sẵn sàng chấp nhận rủi ro xung đột với Mỹ; nó cũng sẽ phù hợp với khoảng thời gian dài bất thường mà Nga đã trải qua để loại bỏ tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Nói cách khác, các ưu đãi được tạo ra bởi một thỏa thuận ràng buộc pháp lý đảm bảo tính trung lập của Ukraine và ngăn chặn quân đội nước ngoài xâm chiếm lãnh thổ của họ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào có thể có từ một cuộc xâm lược trong tương lai. Vì nếu Nga lặp lại hành động gây hấn của mình, thì giờ đây nước này sẽ có nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp với Mỹ và chấm dứt nền trung lập của Ukraine.

Tất nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ kéo theo những thách thức đáng kể. Đối với Mỹ, uy tín của các liên minh toàn cầu của họ sẽ phụ thuộc vào sự sắp xếp đầy rủi ro này. Sự trung lập của Ukraine và lệnh cấm các căn cứ và cuộc tập trận ở nước ngoài sẽ đặt ra những tình huống khó xử cụ thể đối với quân đội Mỹ. Phương pháp tiếp cận thông thường của Lầu Năm Góc để đảm bảo các cam kết an ninh, chẳng hạn như triển khai trước, tiếp cận đầy đủ lãnh thổ và lập kế hoạch hoạt động với các đối tác ở một mức độ nào đó, sẽ không thể thực hiện được trong trường hợp này.

Cuối cùng, khu vực áp dụng các bảo đảm sẽ cần được phân chia với ranh giới kiểm soát lãnh thổ trên thực tế khi lệnh ngừng bắn được công bố. Mỹ đã tìm ra các công thức để đảm bảo an ninh cho các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ — an ninh của Tây Đức và Hàn Quốc được đảm bảo cho các biên giới trên thực tế của họ, mặc dù Washington đã chính thức công nhận các yêu sách pháp lý của họ đối với toàn bộ phần lãnh thổ bị chia cắt của các nước đó.

Nhưng trong những trường hợp đó, các đường phân giới được xác định tương đối rõ ràng và ổn định - biên giới bên trong nước Đức và vĩ tuyến 38 của Bán đảo Triều Tiên - trong khi các đường phân chia các lực lượng Nga và Ukraine tại các khu vực mà Moscow đã chiếm đóng ở Ukraine kể từ ngày 24/2 thay đổi gần như hàng ngày. Để thực hiện được điều này, quân đội Nga sẽ phải rút lui gần như hoàn toàn các khu vực mà họ đã kiểm soát kể từ đầu cuộc chiến.

Những thách thức này là đáng kể. Và công việc giải quyết chúng chỉ có thể bắt đầu sau khi cả hai bên không còn thấy lợi thế trong việc theo đuổi mục tiêu của mình trên chiến trường. Hiện tại không có dấu hiệu của điều đó. Nhưng nếu Moscow và Kyiv quay trở lại bàn đàm phán, thông cáo chung của Istanbul có thể chỉ ra con đường giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về vị thế của Ukraine với tư cách là một quốc gia trung lập, biến sự cạnh tranh địa chính trị về sự liên kết của họ thành cam kết chung về an ninh lâu dài của Ukraine. Nếu khuôn khổ này thành công, nó cũng có thể cung cấp một mô hình cho các quốc gia không liên kết khác, chẳng hạn như Moldova và Georgia, và thậm chí cho một kiến ​​trúc an ninh châu Âu mới, trong đó Nga và phương Tây vẫn là đối thủ địa chính trị nhưng chấp nhận một số ranh giới đỏ nhất định.

Một thỏa thuận dựa trên thông cáo chung của Istanbul sẽ đặc biệt khó đàm phán. Những sự chi phối chính trị cùng cuộc giao tranh đang diễn ra là những trở ngại mạnh mẽ để đạt được điều đó. Nhưng cho đến nay, đó là con đường hợp lý nhất đã được xác định để đạt được một nền hòa bình bền vững cho Ukraine.

Huy Vũ
Lượt xem: 64
Tác giả: Huy Vũ
Nguồn:ngaynay.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...