• :
  • :

Cuối năm lại nhức nhối vấn nạn thực phẩm bẩn

Gần đến Tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, các đối tượng đã trà trộn thực phẩm bẩn, thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng vào thị trường, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Đáng nói, tình trạng này tái diễn hàng năm, song đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm

Những ngày vừa qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và triệt phá những kho hàng thực phẩm bẩn quy mô lớn “ẩn nấp” trong nhà dân hoặc trong các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu thực phẩm.

Mới đây, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) thông tin về việc vừa phát hiện, kiểm tra và thu giữ số lượng lớn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn.

Cụ thể, ngày 16/12, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra điểm tập kết thực phẩm tại ngõ 147A Tân Mai, phường Hoàng Văn Thụ. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ 300kg thực phẩm đông lạnh gồm nội tạng động vật, thịt động vật, có dấu hiệu bốc mùi hôi thối, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng trên cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thực phẩm cuối năm của các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Thủ đô lớn nên đã thu mua số thực phẩm trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Cuối năm lại nhức nhối vấn nạn thực phẩm bẩn

Lực lượng chức năng phát hiện lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Trước đó, ngày 13/12, kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ 51A ngõ 16/77 Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai do chị N.T.H (sinh năm 1993, ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 27kg thịt lợn ba chỉ nhãn Pork belly made in Russia; 22kg ba chỉ bò nhãn beff jerky made in USA; 5kg lườn ngỗng xông khói nhãn HEHHOCTb không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Ngày 12/12, kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khu dịch vụ 1, Tây Nam Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, do chị H.T.T.D (sinh năn 2004; ở xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 30kg cá mối nhãn Temite fish made in China, 35kg mực ống nhãn Squid made in China, 20kg tôm nhãn Shirmp made in China và 20kg cá nục nhãn Frozen Makerel made in China không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng nêu trên, tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ các vụ việc trên, có thể thấy, vào dịp cuối năm, lợi dụng nhu cầu của người dân đối với mặt hàng thực phẩm, vì lợi nhuận, một số đối tượng gian thương đã đưa ra thị trường để tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Dó đó, mỗi người dân hãy sáng suốt lựa chọn những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm...

Người dân cần nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ tăng, đời sống người dân được nâng cao, thị trường ngày càng phong phú về mẫu mã, chất lượng sản phẩm Tết. Trong số đó, các sản phẩm nhập ngoại được người dân khá ưa chuộng để tiêu thụ trong gia đình hoặc làm quà biếu bởi mẫu mã sang trọng, nguồn gốc “ngoại” tạo cảm giác cao cấp.

Tuy nhiên, đánh vào tâm lý này của người dùng, nhiều cơ sở đã tuồn vào thị trường những sản phẩm giả được sản xuất trong nước hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc “núp bóng” hàng ngoại. Các mặt hàng bị giả nhiều nhất có thể kể đến một số loại như bánh kẹo nhập ngoại, chocolate, rượu ngoại, các loại thực phẩm đóng gói như các loại hạt, nho khô, xúc xích, thị xông khói... như thời gian qua cơ quan chức năng đã khám phá tại một số kho hàng.

Cuối năm lại nhức nhối vấn nạn thực phẩm bẩn

Lực lượng chức năng thu giữ nhiều sản phẩm bột ngọt giả

Nhiều sản phẩm không có nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo nhưng vì có “mác” nhập ngoại nên bán ra thị trường với mức giá rất cao, từ một đến vài triệu đồng/sản phẩm. Người mua hàng mua bằng niềm tin hàng đắt tiền, nhập khẩu sẽ bảo đảm mà không ngờ mua về “tiền mất, tật mang”.

Hiện nay, việc kinh doanh, mua bán hàng hóa không chỉ được thực hiện tại các cửa hàng có địa chỉ cụ thể mà còn qua hình thức trực tuyến, vì thế, chất lượng sản phẩm càng khó kiểm soát hơn.

Nhằm bảo vệ quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp mua sắm cao điểm cuối năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 16/KH-QLTTHN ngày 31/10/2022 của Cục Quản lý thị trường thành phố về việc triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Triển khai kế hoạch trên trong các tháng qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và đặc biệt là các vụ việc liên quan đến thực phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lượt xem: 12
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...