Cựu Thủ tướng Đức Merkel bảo vệ những quyết định gây tranh cãi tại buổi ra mắt sách
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ủng hộ chính sách của bà về người tị nạn, Nga và nền kinh tế khi giới thiệu cuốn hồi ký mới tại Berlin. Những người chỉ trích cho rằng cuốn sách hơn 700 trang này không mang lại nhiều thông tin mới.
Bà Angela Merkel, Thủ tướng tại vị lâu nhất nước Đức thống nhất, đã trở lại vào tối 26/11 tại nhà hát Deutsches ở Berlin để quảng bá cho cuốn hồi ký "Freedom: Memoirs 1954 - 2021".
Trên sân khấu, bà Merkel đã có cơ hội bảo vệ những quyết định gây tranh cãi của mình. Khi bị thúc giục trả lời những chỉ trích rằng bà đã mềm mỏng với Nga để đổi lấy khí đốt tự nhiên giá rẻ, rằng bà đã làm quá ít để giải quyết biến đổi khí hậu, bà đã phản bác rằng nhiều điều trong số đó không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bà.
Bà cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng bà đã "đẩy nước Đức vào chỗ hủy diệt" khi đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà tập trung vào tiết kiệm tiền thay vì đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng cũ kỹ, điển hình là dịch vụ đường sắt quốc gia Deutsche Bahn đang gặp khó khăn.
Bà Merkel cũng bị chất vấn về quyết định năm 2015 của mình khi không áp dụng một số quy định của Liên minh châu Âu yêu cầu người tị nạn phải được xử lý tại quốc gia EU đầu tiên họ đến, mà thay vào đó, bà đã công khai chào đón những người xin tị nạn từ các quốc gia như Syria, Iraq và Afghanistan.
Bà nói: "Giải pháp thay thế là đuổi họ khỏi biên giới Đức, có thể bằng vũ lực, điều này đối với tôi còn tồi tệ hơn rất nhiều".
Như trong cuốn hồi ký của mình, cựu Thủ tướng Angela Merkel phần lớn tránh né việc trả lời câu hỏi về việc bà có quá hòa nhã với Nga, đặc biệt là sau khi Crimea bị sáp nhập vào năm 2014, để mua nhiên liệu giá rẻ cho Đức.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù cuốn sách dài tới 740 trang, nó không mang lại nhiều nội dung tự phản ánh sâu sắc và hầu như không tiết lộ thông tin mới mẻ.
Cuốn sách cũng tỏ ra khá nhẹ nhàng về một số chủ đề, như tôn giáo. Mặc dù là con gái của một mục sư, bà Merkel không nói nhiều về đức tin Cơ đốc. Chỉ có một vài lần bà đề cập đến đạo Hồi, chủ yếu liên quan đến chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Các nhà lãnh đạo thế giới ngoài phương Tây, như ông Narendra Modi, ông Tập Cận Bình và ông Hồ Cẩm Đào, cũng hầu như không được nhắc đến một cách chi tiết.
Trong buổi ra mắt sách, bà không trả lời các câu hỏi từ khán giả. Tuy nhiên, vào cuối sự kiện, bà thừa nhận rằng mình đã rời đi khi nước Đức vẫn chưa hoàn hảo về bảo vệ khí hậu và chuyển đổi số.
Tiếp theo, cựu Thủ tướng Đức sẽ tới các thành phố lớn khác ở châu Âu để quảng bá cuốn sách và sau đó sẽ đến Washington, nơi bà dự kiến sẽ nhận được sự ủng hộ từ ông Obama.
Ngọc Ánh (theo DW)