• :
  • :

Đại biểu “hiến kế” xây dựng và vận hành Bảo tàng cà phê thế giới trên TP. Buôn Ma Thuột

Đại biểu cho rằng có thể thu hút đầu tư dự án xây dựng và vận hành Bảo tàng cà phê thế giới trên TP. Buôn Ma Thuột.

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk". Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Cơ chế thu hút đầu tư vào TP. Buôn Mê Thuột cần đảm bảo công bằng

Theo đó, số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển TP. Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, bổ sung thêm các chính sách để thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết 67 của Bộ Chính trị…

Đại biểu “hiến kế” xây dựng và vận hành Bảo tàng cà phê thế giới trên TP. Buôn Ma Thuột
Đại biểu tham dự phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột sáng 7/11

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn Lâm Đồng cho rằng, quy định nội dung này tại Điều 4 còn một số mặt chưa hợp lý, vì dự án đầu tư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ dẫn đến phạm vi việc miễn, giảm khá rộng, thời gian áp dụng lại khá dài sẽ dẫn đến tâm lý thiếu công bằng đối với các địa phương khác trong cả nước. Đồng thời, tác động ưu đãi này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dễ thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên và tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của một số doanh nghiệp.

Về dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được hưởng các ưu đãi đầu tư, cụ thể Dự thảo quy định thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo, đại biểu cho rằng, quy định trên cần làm rõ thêm nguồn gốc sản phẩm là dự án trồng cà phê và chế biến cà phê tại địa phương hay mang từ nơi khác đến. Đồng thời phải xem xét mức đề xuất được miễn, giảm tại địa phương bảo đảm cạnh tranh đối với các huyện khác trong toàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên theo quy định.

Cũng đồng tình với cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các lĩnh vực đầu tư và mức ưu đãi đầu tư như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - đoàn Bến Tre đề nghị cần rà soát kỹ và cụ thể hơn nữa các lĩnh vực đầu tư. Theo đó, nếu có thu hút ngành sản xuất, chế biến cà phê phải kèm theo điều kiện về công nghệ, độ lớn, nguồn vốn đầu tư và tính mới của sản phẩm để đảm bảo công bằng với các tỉnh trong khu vực. Đại biểu cho rằng có thể thu hút đầu tư dự án xây dựng và vận hành Bảo tàng cà phê thế giới trên TP. Buôn Ma Thuột.

Đề nghị bổ sung cơ chế tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp chế biến cà phê trong toàn tỉnh Đắk Lắk hoặc mở rộng cho cả vùng Tây Nguyên”- đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề xuất.

đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy- đoàn Bến Tre
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - đoàn Bến Tre

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh - đoàn Bình Định, để chính sách được quy định trong Nghị quyết đủ mạnh và không dàn trải, cần nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa các quy định nhằm đảm bảo không xung đột với các chính sách khác và đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra bao gồm chính sách về xây dựng; bảo vệ, phát triển các vùng nguyên liệu.

Ngành cà phê không thể phát triển đơn độc, do đó bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê rất cần phát triển các nguyên liệu khác có thể trở thành sản phẩm sau cà phê, sản phẩm phụ trợ cho cà phê. Nếu chủ động trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đủ mạnh, đủ hấp dẫn và đảm bảo trong tất cả mọi tình huống thì chính sách về phát triển cà phê sẽ an toàn hơn”- đại biểu Lý Tiết Hạnh nêu.

Đại biểu cho rằng, việc tập trung vào một địa bàn, địa giới hành chính là chưa đủ mạnh, do đó cần phải mở rộng các vùng phụ cận, rộng hơn nữa là các vùng nguyên liệu của Tây Nguyên và trong nước. Song hành với đó là chính sách việc làm, thu nhập cho người lao động ở trên các lĩnh vực cà phê và nguyên liệu nói chung.

Đưa thành phố cà phê Buôn Ma Thuột thành thương hiệu quốc gia

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội chính sách đặc thù cho đơn vị cấp huyện, đây là điều chưa có tiền lệ, cần thực hiện phù hợp với Kết luận 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và cả những điểm nghẽn của thành phố, của tỉnh, của vùng Tây Nguyên, không phá vỡ hệ thống pháp luật chung đã thống nhất. Có một số lĩnh vực cần mở rộng phạm vi để tạo điều kiện phát triển cho thành phố, nhưng lại nằm ngoài phạm vi của TP. Buôn Ma Thuột, nên Chính phủ cần cân nhắc, xem xét để đảm bảo hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, để thực hiện Kết luận 67, Chính phủ đã xây dựng một chương trình hành động, đảm bảo không trùng lắp. Sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù cho Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Nhấn mạnh các chính sách ưu đãi, sẽ bám sát Kết luận 67 về nông sản và cà phê, đưa thành phố cà phê trở thành thương hiệu quốc gia, đảm bảo lan tỏa khắp các vùng miền, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện và tiến hành sơ kết, đánh giá, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện tình hình thực tế, từ đó cân nhắc để có những giải pháp phù hợp trong việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương.

Lượt xem: 42
Tác giả: Quỳnh Nga- Lan Anh