• :
  • :

Đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng các "dự án treo" có xu hướng tăng

(LĐTĐ) "Cần quyết liệt hơn nữa trong quản lý đất đai để tránh lãng phí nguồn lực cũng như gây ra những vụ khiếu kiện kéo dài; tiếp tục các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất- kinh doanh góp phần tạo công ăn, việc làm, nguồn thu cho ngân sách; đặc biệt ưu tiên hơn nữa các vấn đề an sinh xã hội...". Đây là những nội dung mà các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) lại đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Theo đại biểu, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết hiện nay trên phạm vi toàn quốc có 743.786.825 m2 đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, số tiền thu được rất thấp, chỉ có 286 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng các
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai. (ảnh: Quốc hội)

Cũng theo đại biểu Mai, chỉ qua giám sát tại 7 địa phương thì đã có đến 1.739 dự án được coi là dự án treo, tương ứng với hơn 12.000 hecta đất, đó là một sự thật rất đau lòng và gây bức xúc đối với người dân. Bên cạnh rất nhiều địa phương đang tích cực thu hồi những diện tích đất hoang hóa thì vẫn còn những địa phương cứ sau mỗi một nhiệm kỳ thì số lượng các "dự án treo" lại tăng thêm.

Không những thế, còn có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai; biểu hiện lợi ích nhóm ở một số địa phương, vi phạm pháp luật về đấu thầu giao đất không qua đấu giá...

Từ đó, đại biểu đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai. “Cần xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, cần đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng, để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng, vì có như vậy thì hiệu quả quản lý nhà nước mới không đi xuống.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát để đảm bảo không lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân, không cho phép các thế lực thù địch có thể nói rằng nếu như đất đai này trong tay sở hữu tư nhân thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều trong tay nhà nước”, đại biểu nhấn mạnh.

Chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức vào vòng xoáy lạm phát và suy thoái.

“Trước bối cảnh đó, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức đang đặt ra phía trước, do vậy tôi đồng tình với Chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức khoảng 6,5% trên nền tăng trưởng 8% của năm 2022, là mục tiêu khá cao nhưng vừa đủ để phấn đấu”, đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng các
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. (ảnh: Quốc hội)

Đồng tình với 12 giải pháp của Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị ngay từ bây giờ cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng. Nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, thị trường sẽ bị suy giảm, thu hẹp nhưng không bị đóng cửa tuyệt đối như là thị trường tư liệu sản xuất. Do vậy, phải khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sau 2 năm đại dịch, nợ của các doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn. Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua. Cộng vào đó là thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả.

“Trong bối cảnh kinh tế nếu rơi vào khủng hoảng thị trường thu hẹp, nghĩa vụ tài chính nặng nề như trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bên bờ vực phá sản. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chính sách tài khóa ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, đại biểu phân tích.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang và hạn chế khởi công mới. Dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển, công nghiệp thông tin phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.

Đảm bảo nguồn lực để chi cho an sinh xã hội

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho biết cử tri đánh giá rất cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2022 vừa qua, đặc biệt là khi chuyển sang biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thích ứng với tình hình mới.

Đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng các
Đại biểu Dương Minh Ánh lo ngại nếu tính đúng, tính đủ thì mức phí và giá khám, chữa bệnh và đào tạo sẽ ngày càng cao (ảnh: Quốc hội)

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép áp dụng tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ ngày 1/1/2023 và đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương. Đồng thời, quan tâm đến việc tăng lương của người nghỉ hưu để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, đại biểu cho hay, vấn đề tự chủ của các cơ sở y tế và giáo dục đang được cử tri hết sức quan tâm, băn khoăn và lo lắng về việc khi thực hiện lộ trình tự chủ.

Nếu tính đúng, tính đủ thì mức phí và giá khám, chữa bệnh và đào tạo sẽ ngày càng cao, khi mức lương và thu nhập của người dân thì không tương xứng. Điều đó gây áp lực lên người dân, đặc biệt là những người có mức thu nhập thấp sẽ không đủ tiền để khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công lập và cho con em theo học ở các trường cao đẳng, đại học.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá một cách toàn diện các chính sách để khi triển khai lộ trình tự chủ, làm sao để vừa đảm bảo các nhiệm vụ chi của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng đồng thời phải tính đến các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Ví dụ như nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và mở rộng hơn đối tượng được Nhà nước chi trả bảo hiểm y tế, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ lãi suất cho vay tiền học phí đối với học sinh, sinh viên”, đại biểu đề nghị.

Phương Thảo
Lượt xem: 49
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...